11:02, 28/02/2013

Độc đáo nhưng vắng khách

Trưng bày gần 100 hiện vật và hình ảnh độc đáo về văn hóa truyền thống dân tộc các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), tuy nhiên, triển lãm “Văn hóa các dân tộc phía Nam” (diễn ra tại Bảo tàng tỉnh, số 16 đường Trần Phú, TP. Nha Trang) chưa thu hút nhiều khách tham quan.

Trưng bày gần 100 hiện vật và hình ảnh độc đáo về văn hóa truyền thống dân tộc các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), tuy nhiên, triển lãm “Văn hóa các dân tộc phía Nam” (diễn ra tại Bảo tàng tỉnh, số 16 đường Trần Phú, TP. Nha Trang) chưa thu hút nhiều khách tham quan.

Nhiều hiện vật có giá trị

Triển lãm được trưng bày theo nhóm ngôn ngữ, bao gồm: nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (dân tộc Việt); Môn - Khmer (gồm các dân tộc: Ba Na, Cơ Ho, Giẻ Triêng, Khmer, Mạ, M’Nông, Xơ Đăng, Xtiêng, Tà Ôi, Bru Vân Kiều); Hán (dân tộc Hoa); Nam Đảo (gồm các dân tộc: Chăm, Chu Ru, Ê-đê, Gia Rai, Raglai). Các hiện vật trưng bày chủ yếu là công cụ lao động sản xuất, vật dụng dùng trong đời sống gia đình và một số trang phục, nhạc cụ lễ hội. Bên cạnh đó, hệ thống tranh, ảnh giới thiệu khái quát về văn hóa các dân tộc cũng góp phần giúp người xem có cái nhìn khái quát về bản sắc văn hóa mỗi dân tộc.

1

 Du khách Nga tham quan triển lãm.

Đến với triển lãm, công chúng bắt gặp nhiều vật dụng đã gắn bó với đời sống người dân Nam bộ trong Thế kỷ XIX, XX. Đó là những vật dụng, công cụ lao động thô sơ như: gàu tát nước bằng mây tre, bàn nạo dừa cán gỗ lưỡi sắt, bàn ủi đồng, bình tích trà đựng trong quả dừa khô; nồi đồng, khay gỗ hình chữ nhật, hình trái đào chạm trổ công phu và hộp, khay gỗ cẩn xà cừ cầu kỳ, tinh xảo. Một số hiện vật khác phản ánh hoạt động sản xuất nông nghiệp, lao động của người dân như: vòng hái, nọc cấy, nơm bắt cá, khung dệt vải... Chiếm đa số hiện vật là các vật dụng, công cụ sản xuất của đồng bào dân tộc Raglai vẫn dùng hiện nay như: gùi, nia đan bằng mây, tre để gùi và đựng nông sản; các công cụ vun gốc và gieo trồng như: dao mé, thuổng, liềm, rựa, cuốc, cày, bừa. Đáng chú ý có nỏ, cung tên và mô hình nhà mồ với áo quan, cổng và mái che hình thuyền rồng. Đặc biệt hơn cả là các nhạc cụ truyền thống gồm: đàn đá Khánh Sơn hơn 3.500 năm tuổi, chiêng bằng, đàn chapi, trống da Kinăng, sáo, kèn cùng các loại nhạc khí mang đậm văn hóa Raglai.

Triển lãm chuyên đề “Văn hóa các dân tộc phía Nam” do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ tháng 1 đến tháng 4-2013. Bảo tàng tỉnh mở cửa phục vụ khách tham quan buổi sáng từ 8 đến 11 giờ, chiều từ 14 đến 16 giờ các ngày từ Thứ hai đến Thứ sáu trong tuần.

Tuy không gian trưng bày các hiện vật của dân tộc Ba Na không nhiều nhưng lại ấn tượng với bộ trang phục nữ, vỏ bầu khô và bộ cồng, chiêng. Chị Lê Hải Yến - thuyết minh viên Bảo tàng cho biết, trang phục của người Ba Na đơn giản nhưng các họa tiết rất độc đáo, mang tính đối xứng, màu đen thường là màu chủ đạo. Vỏ bầu khô trong đời sống người dân thường dùng đựng nước nên còn được gọi là bầu nước. Góc trưng bày các hiện vật của dân tộc Chăm gồm: y phục tăng lữ Hồi giáo Bà Ni, những chiếc hộp đựng vật dụng bằng đồng và mây, tre được thiết kế tinh xảo, sơn màu rực rỡ. Triển lãm còn giới thiệu bộ sưu tập vòng tay kim loại - lễ vật trao duyên của người Bru Vân Kiều nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung; khèn bè - nhạc cụ bằng trúc của dân tộc Tà Ôi; mõ trâu, mõ bò, tù và, kèn bầu - nhạc cụ của người Ê-đê...

Độc đáo nhưng vắng khách

Ngoài những hiện vật, triển lãm còn giới thiệu chung thành phần các dân tộc Việt Nam thông qua các bảng chủ đề: giới thiệu khái quát về văn hóa các dân tộc phía Nam, bản đồ phân bố các dân tộc, bảng ảnh giới thiệu đặc trưng từng dân tộc sắp xếp theo ngữ hệ và số lượng dân số. Thông qua đó, người xem dễ dàng hệ thống hóa kiến thức về các dân tộc; tìm hiểu về truyền thống, tập tục các dân tộc như: truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt; lễ vào năm mới và lễ cúng trăng của đồng bào Khmer; Tết Nguyên đán,  Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan ngọ của người Hoa; lễ hội Katê của người Chăm...

Hầu hết những hiện vật được trưng bày mang giá trị văn hóa, xã hội rất cao; góp phần tái hiện sinh động cuộc sống lao động, sản xuất và đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử. Đây là cơ hội tốt để người dân Khánh Hòa nói riêng và du khách nói chung tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc khu vực phía Nam. Chị Tanya (du khách người Nga) nhận xét: “Triển lãm này tuy nhỏ nhưng cách bài trí rất khoa học và sinh động, tạo cảm giác thích thú khi tham quan. Tên các hiện vật đều được dịch sang tiếng Anh nên chúng tôi cũng dễ nhận biết đó là gì. Tuy không hiểu rõ về công dụng của chúng nhưng tôi thấy chúng rất độc đáo”.

Tuy độc đáo và có ý nghĩa nhưng triển lãm chưa thực sự thu hút khách tham quan. Theo thống kê, tính từ ngày khai mạc, Bảo tàng tỉnh mới chỉ đón hơn 200 lượt người đến xem, phần lớn là du khách nước ngoài. “Nguyên nhân có thể do triển lãm diễn ra trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, có nhiều hoạt động văn hóa khác nên chưa thu hút người dân. Chúng tôi hy vọng những ngày tới, nhân dân địa phương, nhất là học sinh dành sự quan tâm đến triển lãm này. Đây là kho tư liệu quý để mọi người hiểu hơn về văn hóa dân tộc”, chị Yến chia sẻ.

NGỌC THẢO