03:02, 18/02/2013

Đầu năm xin chữ cầu may

Từ bao đời nay, xin chữ cầu may mắn trong năm mới là tục lệ đẹp của người Việt. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nét đẹp văn hóa này tiếp tục được gìn giữ, phát huy...

Từ bao đời nay, xin chữ cầu may mắn trong năm mới là tục lệ đẹp của người Việt. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nét đẹp văn hóa này tiếp tục được gìn giữ, phát huy...   

Từ lâu, hình ảnh ông đồ xuất hiện vào mỗi dịp Tết đến, xuân về đã trở nên thân thuộc với mọi người. Hình ảnh đó đã đi vào thơ ca, nhạc họa, khiến mỗi chúng ta khi đọc những vần thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên không khỏi bồi hồi: Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Trên phố đông người qua (Ông đồ), hay của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản/Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/Cụ đồ Nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ (Chợ Tết). Những năm gần đây, hình ảnh ông đồ cho chữ và tục xin chữ đầu năm có chiều hướng phát triển mạnh. Ở những thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành nên những con phố được gọi là “phố ông đồ” vào những ngày đầu xuân.

Hòa chung với xu hướng tìm lại nét văn hóa truyền thống đó, ở phố biển Nha Trang, tục cho chữ, xin chữ đầu năm cũng được mở rộng và trở thành nét đẹp trong những ngày đầu năm. Có mặt tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar chiều mùng 3 Tết, chúng tôi bắt gặp khá đông người dân và du khách xúm quanh những “ông đồ” đang cho chữ. Nhìn những “ông đồ” già có, trẻ có trong bộ trang phục khăn đóng, áo the hí hoáy viết chữ tặng khách, chúng tôi thầm mừng khi thấy nét đẹp văn hóa truyền thống xa xưa vẫn còn được lưu giữ đến bây giờ. “Ông đồ” trẻ Nguyễn Thanh Phi - sinh viên Trường Đại học Nha Trang cho biết, những “ông đồ” có mặt ở khuôn viên Khu di tích Tháp Bà đều do anh mời về. Tuy tuổi tác chênh lệch nhau, nhưng họ đều có chung niềm yêu thích thư pháp Việt. Ngoài việc cho chữ, đây cũng là cách trau dồi thêm khả năng viết chữ đẹp của mình.

1
“Ông đồ” Phạm Văn Nguyên - sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đang viết chữ cho khách. 

Trên những tờ giấy đỏ, vàng, hồng (những màu tượng trưng cho sự may mắn), những nét chữ mềm mại, bay bổng dần hiện lên với màu mực tàu óng ả. Khách đến xin chữ cũng rất đa dạng, sinh viên xin các chữ: Trí, Đỗ, Minh, Tài; thương nhân xin chữ: Lộc, Tín, Phát; công chức xin chữ: Công, Thành, Danh; khách nặng nghĩa gia đình lại xin chữ: Phúc, Đức, Thọ, Tâm, An... Cũng có nhiều người mượn của các “thầy đồ” những tập thơ, quyển sách để lựa cho mình câu thơ, con chữ ưng ý. Nhiều người chọn sự ngẫu nhiên, bốc thăm được chữ nào, câu nào thì nhờ các “thầy đồ” viết chữ đó, câu đó. “Chúng tôi luôn có tư vấn dành cho khách. Đó có thể là tư vấn gián tiếp thông qua những quyển sách, tập thơ, thùng chữ, cũng có thể là sự tư vấn trực tiếp khi hỏi han về những mong muốn của mỗi người trong năm mới, sau đó đưa ra lời khuyên hợp lý”, anh Nguyễn Thanh Phi chia sẻ.

Để có thể sở hữu những khuôn chữ đẹp, có ý nghĩa, mỗi người phải bỏ ra từ 20 đến 50 ngàn đồng để mua giấy (tùy khổ giấy), còn chữ thì được các “thầy đồ” cho. Nhiều người đi xin chữ cũng rất cẩn thận lựa chọn những “thầy đồ” có gia thế tốt, tính tình hiền hòa. Nếu “ông đồ” là sinh viên thì đó phải là người có học lực, đạo đức tốt. Quan niệm vậy là để việc xin chữ thực sự mang đến cho họ những điều may mắn trong năm. Tuy nhiên, đa số những người đi xin chữ coi đây là nét văn hóa đẹp, có tác dụng giáo dục. Chị Lê Tuyết Lan (đường 2-4, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Từ lúc con trai bắt đầu vào học lớp 1, năm nào tôi cũng dẫn cháu đi xin chữ đầu năm. Mỗi lần như thế, tôi đều giảng giải cho cháu nghe ý nghĩa của chữ đã xin và động viên cháu siêng năng học tập. Điều vui là con tôi rất quý những chữ đó. Cháu còn tập viết thư pháp để có thể tự tay viết những chữ mình thích”.

Với những giá trị tinh thần to lớn, việc xin chữ đầu năm ở Nha Trang đang phát triển khá rộng rãi. Không chỉ ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar, theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí... cũng có sự hiện diện của các “ông đồ”.

Sự phát triển mạnh mẽ của tục xin chữ đầu năm thực sự là tín hiệu vui. Đã không còn cảnh ngậm ngùi: Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ (Ông đồ của Vũ Đình Liên), mà thay vào đó là sắc thái sinh động, mới mẻ của thư pháp Việt, của tục lệ xin chữ cầu may đầu năm mới.

GIANG ĐÌNH