10:12, 08/12/2012

Nhạt nhòa câu chuyện nghĩa nhân

Một kịch bản văn học hay, kịch bản chuyển thể dân ca bài chòi cũng rất tốt, nhưng khi đưa ra dàn dựng, vở diễn lại nhạt nhòa, không hấp dẫn người xem.

Một kịch bản văn học hay, kịch bản chuyển thể dân ca bài chòi cũng rất tốt, nhưng khi đưa ra dàn dựng, vở diễn lại nhạt nhòa, không hấp dẫn người xem. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi xem vở “Đất lở” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa biểu diễn.

“Đất lở” (kịch bản: Ngọc Linh, kịch bản chuyển thể: Hình Phước Long, đạo diễn: Vũ Tiến Thêm) là vở diễn được Nhà hát NTTT tỉnh dàn dựng để phục vụ người dân trong dịp Tết dương lịch và âm lịch sắp tới.

Câu chuyện về đạo lý  và đồng tiền

Câu chuyện trong “Đất lở” xoay quanh mối tình giữa Huyền và Tấn. Cách ứng xử của những người trong gia đình Huyền trước tình cảm của đôi trẻ dẫn người xem tới những xung đột giữa đạo đức và đồng tiền, là lời cảnh tỉnh đối với những ai quá coi trọng đồng tiền mà quên đi đạo lý làm người. Huyền và Tấn yêu nhau, giữa hai nhà đã có lễ hứa hôn. Sau thời gian nhập ngũ, trở về nhà với hoàn cảnh nghèo khó, Tấn phải bươn chải để tìm kế sinh nhai. Trong thời gian này, Huyền vẫn một lòng chờ đợi Tấn, nhưng bố mẹ Huyền lại thay đổi cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Trước áp lực của bà ngoại Huyền và những đồng tiền của bà ở nước ngoài gửi về, bố mẹ Huyền đã phản bội lại lời hứa hôn, nhẫn tâm tìm cách chia lìa tình cảm của đôi trẻ, ép con gái phải lấy một Việt kiều do chính bà ngoại cô chỉ định.

 Một cảnh trong vở “Đất lở”.
Một cảnh trong vở “Đất lở”.

Để làm rõ xung đột trong vở kịch, đồng thời khắc họa đậm nét câu chuyện nghĩa nhân ở đời, tác giả kịch bản đã để câu chuyện xảy ra ngay trong gia đình một nhà giáo. Vợ chồng ông giáo Kính (bố mẹ của Huyền) sống cuộc sống sung túc bằng những đồng tiền do bà ngoại cô ở nước ngoài gửi về. Họ bị lệ thuộc vào những đồng tiền đó, nên đã mất dần quyền tự quyết của bản thân. Không chỉ đan tâm chia cắt duyên phận con gái, ông giáo Kính còn làm trái lời cha ruột của mình là ông Sáu Yến. Lấy bối cảnh là xóm cồn Ngọc Thảo, “Đất lở” mượn việc lở đất ở nơi đây để nói lên sự xói lở đạo đức xã hội, như lời ông Sáu Yến đã đau đớn thốt lên: “Đất lở ngay trong nền nhà mình rồi”.

Diễn viên diễn chưa tới?

Kịch bản “Đất lở” được nhà văn Ngọc Linh viết từ những năm 80 của thế kỷ XX, từng được dàn dựng dưới các loại hình kịch nói, cải lương và để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng. Khi nhạc sĩ Hình Phước Long chuyển thể sang dân ca kịch bài chòi, ông gần như không sửa bất cứ một tình tiết nào của kịch bản văn học. Đọc hết kịch bản chuyển thể, chúng ta cảm được câu chuyện với nhiều chi tiết gây xúc động mạnh đối với người xem. Tuy nhiên, một kịch bản văn học hay, một kịch bản chuyển thể tốt chưa đủ để làm nên một vở diễn thành công.

Việc dựng lại vở diễn này dưới hình thức dân ca kịch bài chòi đối với Nhà hát NTTT có những áp lực nhất định. Trước hết, đó là dàn dựng làm sao để tạo được thành công riêng cho vở diễn, xây dựng thế nào để các tình tiết trong câu chuyện phù hợp với hoàn cảnh hiện tại? Thời gian dàn dựng ngắn (khoảng 1 tháng), điều kiện tập luyện không phù hợp cũng là những khó khăn của Nhà hát khi dàn dựng vở “Đất lở”.

“Suốt 7 cảnh diễn, lối kể chuyện của đạo diễn chưa bộc lộ được quan niệm hiện đại trong giải quyết mâu thuẫn giữa đạo lý với đồng tiền. Trong vở diễn, chúng ta chỉ thấy sự đặt đâu ngồi đó chứ chưa thấy phản ứng của lớp trẻ, điều này không phù hợp với tâm lý hiện đại. Đạo diễn cần khắc họa thêm nhân vật để hấp dẫn người xem”, đạo diễn Cao Nguyên nhận xét. Cùng chung cảm giác hụt hẫng khi xem vở diễn, nhạc sĩ Hình Phước Liên chia sẻ: “Tôi đã đọc kỹ kịch bản và thấy rất cảm động. Nhưng khi xem vở diễn, tôi lại không thể khóc được vì diễn viên diễn không tới. Trong nhiều cảnh diễn, có những chi tiết cực hay của kịch bản, nhưng diễn viên diễn không đạt yêu cầu, nhiều đoạn cần diễn để bộc lộ tâm lý nhân vật nhưng người xem không thấy được điều đó”. Theo dõi vở diễn, có thể thấy hai cảnh đầu được dựng khá tròn vai, còn lại các cảnh khác đều gặp “sạn”. Trong đó, cảnh 3, cảnh 6 và cảnh 7 nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất. Đánh giá về vở diễn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “Việc tổ chức xung đột của đạo diễn còn yếu. Tại sao “đất lở”, phải hiểu được xung đột ngầm trong mỗi nhân vật. Nếu không khai thác được xung đột kịch thì vở diễn sẽ nhạt nhòa như những gì chúng ta đã thấy. Đạo diễn cần đầu tư nhiều hơn. Ngoài ra cũng nên xem lại việc tổ chức diễn viên quần chúng, trang phục của diễn viên”.

Tiếp thu những ý kiến của Hội đồng nghệ thuật, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT cho biết: “Ý đồ ban đầu của tôi là kể một câu chuyện liên tục, không đóng màn. Tôi muốn chọn một mô típ khác cho vở diễn, nhưng thực lực của diễn viên quá yếu nên không thực hiện được. Vở diễn sẽ được sửa chữa lại những khuyết điểm như ý kiến đóng góp của Hội đồng nghệ thuật”.

NHÂN TÂM