12:12, 05/12/2012

Thổi hồn vào nhạc cụ truyền thống

Luôn trăn trở với việc giữ gìn và phát huy nền âm nhạc dân tộc, ông đã tìm đến sự kết hợp hài hòa giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây như là hướng đi mới của mình.

Luôn trăn trở với việc giữ gìn và phát huy nền âm nhạc dân tộc, ông đã tìm đến sự kết hợp hài hòa giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây như là hướng đi mới của mình. Ông là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngô Hữu Lai - Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch (CĐVHNT-DL) Nha Trang.

Đem hơi thở thời đại vào âm nhạc dân tộc

Chúng tôi gặp NSƯT Ngô Hữu Lai khi ông đang bận rộn dựng vở cho đoàn dân ca của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Với giọng nói đậm chất Huế, ông say mê nói về âm nhạc dân tộc, âm nhạc đương đại. Ông cho biết: “Giữ gìn và phát huy nền âm nhạc dân tộc là trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ. Tuy nhiên, giữ gìn không có nghĩa là ôm khư khư để đứng lại một chỗ, mà cần làm cho nó phát triển. Vì vậy, tôi đã tìm đến sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ Tây phương với mong muốn thổi vào âm nhạc dân tộc hơi thở thời đại, nhịp điệu cuộc sống. Hòa nhập không có nghĩa hòa tan, những sáng tác của tôi cũng đang đi theo chiều hướng đó”. 

Trong chương trình tham gia Hội diễn các trường VHNT toàn quốc năm 2010, 5 tiết mục hợp xướng và độc tấu do NSƯT Ngô Hữu Lai và các giảng viên Trường CĐVHNT-DL Nha Trang dàn dựng đã đạt được những thành tích đáng kể. Nhưng quan trọng hơn, việc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, sáo, đàn nhị, đàn thập lục, bộ gõ với các nhạc cụ phương Tây như đàn violon, kèn clarinet, đàn organ... đã đem lại cảm giác thích thú cho người nghe. Những âm thanh nhẹ nhàng, thướt tha của nhạc cụ dân tộc đã trộn lẫn hài hòa, nhịp nhàng với âm điệu mới mẻ, độc đáo của nhạc cụ phương Tây. Chương trình đó đã được Ban giám khảo hội diễn đánh giá cao với 2 Huy chương Vàng (tiết mục hợp xướng Tiếng trống ghi năng và độc tấu Xuân quê hương) và Huy chương Bạc cho tiết mục hợp xướng Ra khơi.

Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Hữu Lai.

Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Hữu Lai.

Tiếp nối sự thành công đó, NSƯT Ngô Hữu Lai đã dàn dựng buổi hòa tấu dành cho nhạc cụ dân tộc và một số nhạc cụ phương Tây dựa trên những tác phẩm của nhạc sĩ Yanni Hrysomallis (người Hy Lạp). Buổi hòa tấu có sự tham gia của 60 nhạc công là học sinh, sinh viên Trường CĐVHNT-DL Nha Trang ở cả 3 bậc học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng âm nhạc. Thưởng thức bản hòa tấu, thính giả được nghe những âm sắc của các nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, sáo, đàn nhị... hòa trộn tinh tế trên nền nhạc cụ phương Tây như violon, clarinet, keyboard synthsiz... Thạc sĩ Trương Đình Đức (Phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Trường CĐVHNT-DL Nha Trang) chia sẻ: “Sự kết hợp hài hòa giữa nhạc cụ dân tộc và phương Tây đã mang đến những tác phẩm âm nhạc đương đại với một màu sắc âm thanh mới, tạo lý thú cho người nghe”.

Cần đưa vào giảng dạy

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường CĐVHNT-DL Nha Trang: Sự sáng tạo trong việc kết hợp nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây của NSƯT Ngô Hữu Lai là một thành công trong nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn đó không chỉ nâng cao giá trị nhạc cụ dân tộc mà còn cho thấy sự hội nhập của nền văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác. Lấy âm nhạc dân tộc làm gốc, làm trọng tâm để kết hợp với nét mới, nét độc đáo của âm nhạc phương Tây là hướng đi phù hợp với cuộc sống âm nhạc hiện nay, đặc biệt đối với một thành phố du lịch như Nha Trang - Khánh Hòa.

Theo NSƯT Ngô Hữu Lai, ngoài giác quan cảm nhận cá nhân, sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc và phương Tây còn đòi hỏi một số yêu cầu kỹ thuật khác. Trong đó, quan trọng nhất là việc chọn lựa bài, bản nhạc cùng với giai điệu, màu sắc để làm nổi bật lên sự kết hợp giữa các loại nhạc cụ. Qua sự tìm hiểu và quá trình sáng tác, ông nhận thấy trong các loại nhạc cụ phương Tây thì kèn Trumpet và Saxophone là 2 loại nhạc cụ đa âm nên rất khó kết hợp với nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Vì vậy, để có sự kết hợp hài hòa, người dàn dựng cần phải am hiểu nhạc cụ và biết chọn lựa bài vở. Bên cạnh đó, vai trò của người nhạc công cũng rất quan trọng, không chỉ chơi đúng mà còn phải bắt nhịp tiết tấu nhanh, chính xác. Tuy nhiên, NSƯT Ngô Hữu Lai cho biết, hiện nay tìm một nhạc công giỏi đã khó, chứ chưa nói đến nhạc công am hiểu và biết kết hợp các loại nhạc cụ. Ông chia sẻ: “Nếu đã có chất giọng sẵn thì việc đào tạo một ca sĩ rất dễ, nhưng đào tạo một nhạc công lại khó gấp nhiều lần. Muốn am hiểu và kết hợp nhuần nhuyễn các nhạc cụ thì không có cách nào khác là học từ những điều cơ bản nhất. Do đó, tôi nhận thấy trong nhà trường, đặc biệt là các trường VHNT cần giảng dạy bài bản về sự kết hợp nhạc cụ dân tộc với các loại nhạc cụ hiện đại khác nhằm đưa nền âm nhạc truyền thống lên một mức cao hơn”.

Hiện nay, Bộ môn biểu diễn nhạc cụ của Khoa Âm nhạc (Trường CĐVHNT-DL Nha Trang) cũng thường xuyên tổ chức hoạt động trình diễn nhạc cụ, trong đó có biểu diễn kết hợp nhạc cụ dân tộc và phương Tây. Cách thức biểu diễn mới lạ, độc đáo này đã thu hút và tạo hứng thú cho cả người biểu diễn và người nghe. 

MAI HOÀNG