10:12, 06/12/2012

Phát huy giá trị di tích trong cộng đồng

Được hình thành từ gần 200 năm về trước, Miếu An Lạc (số 19 đường Phan Đình Giót, TP. Nha Trang) vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Được hình thành từ gần 200 năm về trước, Miếu An Lạc (số 19 đường Phan Đình Giót, TP. Nha Trang) vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây lưu lại dấu ấn văn hóa tâm linh của người dân trong vùng, luôn được người dân giữ gìn, trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị di tích.

Câu chuyện tâm linh

Đến bây giờ, người dân thuộc khóm Phường Củi (nay là tổ văn hóa số 7, phường Phương Sài) vẫn truyền nhau câu chuyện mang tính tâm linh về Đệ Bát Tiên Nương. Bà vốn là người dân tộc Chăm ở Bình Thuận. Ngày đó, quanh vùng Phường Củi bị dịch bệnh khiến nhiều người tử vong. Trước tình cảnh đó, bà đã tế độ cho người dân thoát cơn dịch bệnh bằng cách hiển linh cung cấp toa thuốc qua hình thức cầu cơ của người dân thời xưa. Việc cứu nhân độ thế của bà đã đem lại sự an lạc cho người dân. Tưởng nhớ công ơn của bà, người dân đã dựng miếu thờ. Các đời vua triều Nguyễn từ Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đã ban sắc phong cho bà là Trung đẳng thần. Miếu thờ bà lúc đầu chỉ bằng mái tranh vách đất, đến năm 1934, người dân góp công sức xây lại ngôi miếu vững chãi hơn. Tháng 4-2012, miếu được trùng tu nhiều hạng mục đã xuống cấp, mang lại diện mạo khang trang như hiện tại.

 Miếu An Lạc luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc của người dân trong vùng.

 Miếu An Lạc luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc của người dân trong vùng.

Miếu An Lạc quay mặt hướng Đông Nam, phía trước có án phong với họa tiết long chầu hổ phục cùng một cây gạo tương truyền trên 100 năm tuổi tạo diện mạo cổ kính cho di tích. Ngoài thờ Đệ Bát Tiên Nương, miếu còn phối thờ Tiền hiền, Hậu hiền của nghề đánh bắt hải sản và các anh hùng liệt sĩ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, miếu từng là nơi tiếp tế, dưỡng quân cho các chiến sĩ ở mặt trận 23-10. Hiện nay, miếu vẫn duy trì lệ cúng vía bà vào ngày 7 và 8-8 âm lịch. Miếu còn là nơi thủ sắc, hành lễ khai sắc, thỉnh sắc, rước sắc. Ngoài ra, dịp rằm, mùng một hàng tháng, người dân trong vùng đều mang lễ vật đến dâng bà.

Sức sống trong lòng nhân dân

Miếu An Lạc được xây dựng từ tâm nguyện của người dân trong vùng, nên điều dễ hiểu là đến nay miếu vẫn được người dân chung tay, góp sức trùng tu tôn tạo. Vào dịp lễ vía bà hàng năm, người dân cùng nhau đóng góp tiền của để tổ chức lễ. Việc hương đèn hàng ngày vẫn được người dân tự nguyện thực hiện. “Người dân chúng tôi, ai có gì thì mang lễ bà thứ đó, mong bà độ trì cho trời yên biển lặng, cá tôm được mùa”, bà Phạm Thị Lan (đường Phan Đình Giót) chia sẻ. Đầu năm 2012, trước tình trạng mái ngói của đình bị mục nát, tường gạch rêu mốc... Ban quản lý đình miếu Phương Sài đã vận động người dân góp công, góp của để trùng tu miếu. Công tác trùng tu được thực hiện theo đúng hiện trạng đã mang lại diện mạo khang trang, nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm vốn có của di tích này. “Trước khi trùng tu miếu, chúng tôi tiến hành chụp ảnh toàn bộ di tích và yêu cầu đơn vị thi công phải thực hiện theo đúng những gì đã có. Hoạt động trùng tu thường xuyên nhận được sự quan tâm của người dân”, ông Nguyễn Bộ - Trưởng Ban quản lý đình miếu Phương Sài cho biết. Cũng theo ông Bộ, dự kiến năm 2013 sẽ tiến hành xây cổng miếu. Việc này đã được đưa ra họp bàn và được người dân đồng tình ủng hộ. Theo bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh: “Di tích chỉ thực sự phát huy hết giá trị của nó khi gắn liền với cộng đồng. Di tích Miếu An Lạc đã thực hiện được điều đó. Việc UBND tỉnh công nhận đây là di tích cấp tỉnh cũng là một hình thức ghi nhận sức sống của di tích này”.

Với ý nghĩa của một di tích gắn bó với đời sống tâm linh của người dân, Miếu An Lạc đang được chính người dân bảo vệ, trùng tu, tôn tạo để giữ lại nét văn hóa truyền thống.

N.TÂM