08:12, 12/12/2012

Điểm du lịch lịch sử, văn hóa trong tương lai

Việc định hướng phát triển kinh tế du lịch, kết hợp xây dựng Hòa Diêm vừa là một cụm di chỉ lịch sử, khảo cổ, vừa là khu du lịch văn hóa vào thời điểm 2015 - 2020 đang được các ngành chức năng tính tới.

Việc định hướng phát triển kinh tế du lịch, kết hợp xây dựng Hòa Diêm vừa là một cụm di chỉ lịch sử, khảo cổ, vừa là khu du lịch văn hóa vào thời điểm 2015 - 2020 đang được các ngành chức năng tính tới.

Tiếng nói tiền sơ sử

Qua những cuộc điều tra, khảo sát được Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa thực hiện trong 2 năm 2010, 2011 đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 59 địa điểm di chỉ KCH và có dấu hiệu di chỉ KCH. Các di chỉ KCH trên địa bàn tỉnh hầu hết là những dấu vết của cư dân thời tiền sơ sử. Hiện trạng của các di chỉ chủ yếu nằm trong khu dân cư, khu vực có hoạt động kinh tế - xã hội, chính vì thế, việc gìn giữ, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, chỉ có duy nhất di chỉ Hòa Diêm (thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) là còn nguyên trạng và ít bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên, con người. Di chỉ này được phát hiện và bắt đầu khai quật từ năm 1999. Những năm sau đó, Bảo tàng tỉnh thường xuyên phối hợp với Viện KCH Việt Nam, các tổ chức nước ngoài tiến hành khai quật, nghiên cứu về di chỉ này. Di chỉ Hòa Diêm có niên đại từ thế kỷ V, VI trước công nguyên đến thế kỷ I, II sau công nguyên. Đây vừa là di chỉ cư trú, vừa là di chỉ mộ táng của cư dân tiền sơ sử. Với 4 địa điểm gồm: Hòa Diêm, Hòa Diêm 2, Gò Duối, Gò Miếu đều đang trong tình trạng còn khá nguyên vẹn, ít bị tác động bởi các hoạt động của người dân, lại thuận tiện đường giao thông nên có thể xây dựng nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch về KCH. “Di chỉ Hòa Diêm đặc biệt có giá trị về mặt khoa học. Nó chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời tiền sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân này. Di chỉ này còn thể hiện rõ không gian văn hóa cồn bàu rất đặc trưng của khu vực Nam Trung bộ”, ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết. Từ di chỉ Hòa Diêm, chúng ta biết được phần nào điều kiện sinh sống của cư dân tiền sơ sử trên vùng đất Khánh Hòa. Những hiện vật như: bếp lửa, mảnh gốm, xương động vật, vỏ sò, công cụ lao động... đã phần nào hé mở những thông tin về cuộc sống của cư dân thời xa xưa, cũng như nghi thức mai táng của họ.

Khai quật di chỉ Hòa Diêm năm 2007.
Khai quật di chỉ Hòa Diêm năm 2007.

Điểm du lịch trong tương lai

Ngay sau khi có những kết quả nghiên cứu từ đợt khai quật đầu tiên ở di chỉ Hòa Diêm, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ khu vực di chỉ và thông báo đến các cấp chính quyền địa phương giữ nguyên hiện trạng di chỉ trước khi có những kế hoạch tiếp theo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di chỉ lâu dài. “Thời gian tới, chúng tôi đề nghị tiếp tục tiến hành xác định các mốc khoanh vùng di chỉ Hòa Diêm một cách cụ thể như xác định khu vực I - vùng trung tâm di chỉ và khu vực II - không gian phân bố di chỉ theo đúng quy định trong Luật Di sản văn hóa. Xác định các khu vực dự định sẽ tiến hành khai quật nghiên cứu trong tương lai, những khu vực dự kiến sẽ giữ lại để làm khu trưng bày tại chỗ”, ông Nguyễn Tâm chia sẻ.

Cùng với việc khoanh vùng từng di chỉ đơn lẻ, công tác khoanh vùng tổng thể di chỉ Hòa Diêm cũng cần được tiến hành. Việc định hướng phát triển kinh tế du lịch, kết hợp xây dựng Hòa Diêm vừa là một cụm di chỉ lịch sử, khảo cổ, vừa là khu du lịch văn hóa cũng cần tính tới. Theo lộ trình đã được xác định, di chỉ Hòa Diêm sẽ sớm được hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng Di chỉ lịch sử - khảo cổ cấp tỉnh. Đây là tiền đề để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Hòa Diêm là khu di chỉ cấp quốc gia. Theo ông Nguyễn Tâm, việc lập quy hoạch khoanh vùng bảo vệ tổng thể khu di chỉ Hòa Diêm và xếp hạng di chỉ sẽ được tiến hành trong năm 2013. Năm 2014 sẽ tiến hành lập dự án xây dựng nhà trưng bày và nội dung trưng bày trong không gian văn hóa tổng thể của khu di chỉ này. Giai đoạn 2015 - 2020, việc xây dựng và trưng bày giới thiệu lịch sử, văn hóa khu di chỉ Hòa Diêm sẽ được hoàn tất. Đến thời điểm đó, di chỉ Hòa Diêm sẽ trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa, khảo cổ. Đây có thể xem là cơ sở để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.

NHÂN TÂM