12:11, 01/11/2012

Đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật

Tháng 7-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định phương án trùng tu, tôn tạo di tích Lăng bà Vú (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đến nay, công việc trùng tu đã gần hoàn thành và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của lối kiến trúc thời Nguyễn.

Tháng 7-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định phương án trùng tu, tôn tạo di tích Lăng bà Vú (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đến nay, công việc trùng tu đã gần hoàn thành và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của lối kiến trúc thời Nguyễn.

Chặt chẽ trong phương án trùng tu

Trước đây, năm 2003, việc trùng tu di tích Lăng bà Vú đã được thực hiện. Tuy nhiên, lần trùng tu đó đã bộc lộ những hạn chế về mặt kỹ thuật như sử dụng xi măng để xây đắp lại, dùng sơn công nghiệp để tô màu các họa tiết. Đặc biệt, nhiều yếu tố mỹ thuật không được coi trọng như sử dụng tông màu không đúng với tông màu đặc trưng của kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn; nhiều hoa văn họa tiết bị vẽ lại, đắp lại không chính xác. Với những nhược điểm đó, di tích Lăng bà Vú sau khi được tôn tạo đã nhanh chóng xuống cấp trước sự tác động của thiên nhiên.

Yêu cầu đặt ra cho đợt trùng tu này là phải khắc phục được những hạn chế của đợt trùng tu trước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật đặc trưng của lối kiến trúc, xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn, tạo được tính bền vững của công trình trước những tác động của thiên nhiên. Để làm được điều đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã mời Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (thuộc Bộ Xây dựng) tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật về việc trùng tu, tôn tạo Lăng bà Vú; Công ty TNHH Mỹ thuật Trường Phúc (Nha Trang) được chọn làm đơn vị thi công. Theo phương án của đơn vị tư vấn, việc trùng tu Lăng bà Vú phải tuyệt đối sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống trong kỹ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Chất kết dính để trùng tu lăng là hỗn hợp vôi + mật mía + nhựa cây bời lời + giấy dó, được hòa trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định rồi trộn với cát. Đây được xem là chất liệu chính trong việc xây dựng các lăng tẩm thời Nguyễn. Chất liệu vữa truyền thống này làm cho việc kết dính giữa những mảng công trình cũ với những phần trùng tu được đảm bảo, hạn chế sự đứt gãy giữa phần cũ và phần mới. Các hoa văn, họa tiết quanh lăng được tô bằng bột màu hòa với nước vôi trong và được quét 3 lượt nên có độ xuống màu rất chậm. Đặc biệt, đơn vị thi công đã phục chế được một cách cơ bản tông màu cũ của lăng dựa trên màu pháp lam của Huế. Một điểm đáng chú ý của lần trùng tu này là đã khôi phục được gần như nguyên vẹn các hoa văn, họa tiết, những bức phù điêu của lăng. Để thực hiện được những công việc có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và mỹ thuật, đơn vị thi công đã mời nhóm thợ Huế chuyên trùng tu các di tích lăng tẩm thời Nguyễn. Ông Nguyễn Hữu Bài - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Trường Phúc cho biết: “Khi nhận phương án kinh tế kỹ thuật của đơn vị tư vấn, chúng tôi hiểu ngay để làm được những phần việc đó đòi hỏi phải có những người thợ lành nghề và chuyên về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi đã ra Huế mời nhóm thợ chuyên trùng tu, tôn tạo các lăng tẩm thời Nguyễn. Đây là một trong những nhóm thợ giỏi nhất ở Huế trong công việc này, họ nắm giữ được nhiều bí quyết về cách trộn vữa truyền thống, pha màu cũng như kỹ thuật thực hiện”.

Di tích Lăng bà Vú đang được trùng tu.

Di tích Lăng bà Vú đang được trùng tu.

Đáp ứng được yêu cầu

Có mặt tại di tích Lăng bà Vú khi công việc trùng tu lăng ở hạng mục mỹ thuật đã gần hoàn thành, chúng tôi nhận thấy so với những hình ảnh trước đây, di tích này đã được khoác lên mình diện mạo khang trang, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp vốn có của một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Ông Nguyễn Tòi - một người dân nhà ở gần lăng cho biết: “Sau ngày giải phóng, vì nhiều lý do khác nhau nên di tích Lăng bà Vú bị xuống cấp nghiêm trọng. Cách đây khoảng 10 năm, lăng được trùng tu, nhưng lần trùng tu đó đã làm sai lệch nhiều chi tiết, màu sắc lòe loẹt không phù hợp. Lần trùng tu này, tôi thấy đã chính xác hơn”. Nói rồi ông Tòi cho chúng tôi xem tập allbum ảnh chụp Lăng bà Vú trước đây và lần trùng tu này. Qua đó, chúng tôi nhận thấy được những nét hoa văn, họa tiết nguyên bản đã được phục hồi một cách khá trọn vẹn.

"Là đơn vị làm công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rất hài lòng với việc trùng tu di tích Lăng bà Vú đợt này. Từ công trình này, chúng ta có thể áp dụng những kỹ thuật, mỹ thuật trong việc trùng tu Lăng bà Vú vào các di tích tương tự được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn", bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Danh lam thắng cảnh tỉnh nhận xét. Với phương án trùng tu được chuẩn bị chu đáo, phù hợp, chính xác, di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng bà Vú đã đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật.

NHÂN TÂM

Lăng bà Vú được xây dựng từ năm 1802 - 1804, theo hình chữ Quốc với 3 lớp thành, mặt xoay hướng Đông Nam; thể hiện khá rõ nét yếu tố nghệ thuật cung đình và dân gian thời Nguyễn. Xung quanh lăng được trang trí bởi những phù điêu theo các tích: Nhị thập tứ hiếu, Trúc lâm thất hiếu, Ngư Tiều Canh Mục, Bát tiên... Năm 1999, Lăng bà Vú được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.