10:11, 22/11/2012

Tiếp tục nâng cao chất lượng bảo tồn di tích

Vào những ngày diễn ra lễ hội, Trung tâm không thu phí nên lượng khách hành hương, tham quan rất đông. Với hơn 100 đoàn hành hương trong tỉnh và các tỉnh khác từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh...

 

Đó là khẳng định của bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam và 15 năm ngày thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh.

- Bà có thể cho biết một số nét chính về Trung tâm qua 15 năm thành lập?

- Khi thành lập, Trung tâm có 22 cán bộ, viên chức và người lao động, đến nay lực lượng lao động đã phát triển toàn diện về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng lao động được nâng cao qua công tác đào tạo và hoạt động thực tiễn. Theo số liệu thống kê di tích các năm 2008, 2009, toàn tỉnh có 1.098 di tích và dấu hiệu di tích. Trong đó, Trung tâm đã hoàn thành hồ sơ xếp hạng 13 di tích cấp quốc gia, 143 di tích cấp tỉnh và đang thực hiện nhiều hồ sơ xếp hạng cho di tích đủ tiêu chí. Từ năm 2008 đến 2012, Trung tâm thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích Tháp Bà Ponagar với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng; danh thắng Hòn Chồng hơn 4,6 tỷ đồng; hỗ trợ cho các Ban quản lý di tích tu bổ các di tích đã xếp hạng gần 3,5 tỷ đồng. Đến nay, di tích Tháp Bà và danh thắng Hòn Chồng đã có diện mạo mới, khang trang, xanh - sạch - đẹp, phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử, văn hóa; là điểm đến văn minh - thân thiện của du khách trong nước và quốc tế. Các di tích cấp quốc gia như: Thành cổ Diên Khánh, Văn miếu Diên Khánh, Miếu thờ Trịnh Phong, Đền thờ Trần Quý Cáp, Lăng Bà Vú... Trung tâm đã hợp đồng trên 10 nhân sự, thường xuyên bảo vệ, chăm sóc...

- Công tác tổ chức, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong các lễ hội tại địa phương những năm qua đã được Trung tâm thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và tổ chức lễ hội của nhân dân, Trung tâm đã phối hợp với các phòng Văn hóa - Thông tin địa phương, các Ban quản lý di tích trong tỉnh tổ chức tốt các lễ hội, qua đó tạo được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn giá trị DSVH, tri ân công đức các bậc danh nhân, thánh hiền. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar (từ ngày 21 đến 23-3 âm lịch). Vào những ngày diễn ra lễ hội, Trung tâm không thu phí nên lượng khách hành hương, tham quan rất đông. Với hơn 100 đoàn hành hương trong tỉnh và các tỉnh khác từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh... ước tính hơn 70 ngàn lượt người về dự lễ hội, nhưng công tác tổ chức, phục vụ vẫn diễn ra chu đáo. Nghi thức cúng lễ của đồng bào Chăm - Việt được tôn trọng theo phong tục cổ truyền.

- Lâu nay, việc phát huy giá trị di tích trên địa bàn có nét gì nổi bật, bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Tuyên truyền, phát huy giá trị di tích là một nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi. Hàng năm,

Trung tâm thực hiện từ 8 - 10 đợt tuyên truyền, với sự tham gia của khoảng 500 - 1.000 lượt người/đợt. Nội dung tuyên truyền sát thực, hình thức hấp dẫn nên đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Nhiều trường đã chọn hoạt động tuyên truyền giá trị di tích để hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trung tâm đã cùng các đơn vị chức năng xây dựng nhiều sản phẩm tour, tuyến du lịch, khai thác giá trị DSVH phục vụ du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, di tích lưu niệm danh nhân... Mỗi năm, tại hai địa điểm di tích Tháp Bà và Hòn Chồng đón hơn 700 ngàn khách du lịch, phục vụ hơn 150 ngàn khách hành hương không thu phí. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng để phục vụ du khách.

- Định hướng công tác của đơn vị trong thời gian tới sẽ chú trọng đến những vấn đề gì, thưa bà?

- Thời gian qua, hoạt động chuyên môn cũng như các phong trào đoàn thể của Trung tâm đều nhận được sự đánh giá cao của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), UBND tỉnh, Bộ VH-TT-DL. Phát huy thành tích đã đạt được, Trung tâm phấn đấu thực hiện tốt những nội dung: tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức trong hoạt động quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội; nâng cao chất lượng chuyên môn bảo tồn di tích; hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia đối với di tích đủ tiêu chí theo quy định của Luật DSVH. Bên cạnh đó, tôn vinh và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH; nâng cao chất lượng phục vụ tại di tích Tháp Bà, danh thắng Hòn Chồng, phát triển dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.


Được thành lập ngày 6-11-1997, trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh (trước đây là Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở VH-TT-DL. Trung tâm có nhiệm vụ lập kế hoạch, định hướng cho công tác điều tra, khảo sát, thống kê và lập hồ sơ di tích trình các cấp có thẩm quyền quyết định đăng ký công nhận giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, khai thác tiềm năng các giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật, lịch sử phục vụ nhu cầu học tập, tham quan, tín ngưỡng tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng. Mặt khác, tích lũy nguồn kinh phí đầu tư tôn tạo di tích theo kế hoạch được giao; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn nhân dân tổ chức các lễ hội truyền thống lành mạnh tại các di tích, giáo dục truyền thống cho thế hệ học sinh, sinh viên; hướng các hoạt động quyên góp vào mục đích phục vụ phúc lợi công cộng.


NHÂN TÂM (Thực hiện)