Đó là nội dung được nêu trong buổi làm việc của ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa với các sở, ban, ngành về đợt khảo sát do Bảo tàng Khánh Hòa...
Đó là nội dung được nêu trong buổi làm việc của ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa với các sở, ban, ngành về đợt khảo sát do Bảo tàng Khánh Hòa và Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2012, diễn ra sáng 28-11-2012.
Ảnh minh họa |
Năm 2012, Bảo tàng Khánh Hòa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành đợt khảo sát rộng lớn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát hiện thêm những di chỉ mới, khảo sát lại các di chỉ đã phát hiện nhưng chưa được khai quật nghiên cứu, đánh giá hiện trạng. Trong số 55 di chỉ được khảo sát lần này, đã phát hiện thêm 15 di chỉ và địa điểm có di chỉ phân bố cùng một số sưu tập hiện vật ngẫu nhiên. Những phát hiện đó chủ yếu là những di chỉ khảo cổ giai đoạn tiền sơ sử, tập trung quanh vịnh Cam Ranh, qua đó khẳng định khu vực này trước kia là một vùng dân cư đông đúc gồm nhiều làng cư trú chứ không phải chỉ có một vài cụm dân cư sinh sống lác đác. Điều này cũng cho thấy, các cư dân cổ ở Khánh Hòa ưa cư trú nhiều ở các vùng ven biển hơn là các vùng còn lại.
Theo báo cáo, một số di chỉ và địa điểm quan trọng cần được khai quật nghiên cứu như: di tích mộ chum Diên Sơn, Phú Nghĩa; di chỉ Trảng Cháy, Gò Rừng, Gò Điệp, Bình Hưng, Hòa Diêm… Hiện các di chỉ này đang bị xâm hại và có nguy cơ bị xóa sổ do nằm trong khu vực sinh sống của người dân hoặc nằm trong quy hoạch mở đường của một số địa phương. Vì vậy, việc khoanh vùng bảo vệ, khai quật nghiên cứu các di chỉ này là vô cùng cấp thiết.
Tại cuộc họp, ông Lê Xuân Thân yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và chỉ đạo Bảo tàng tỉnh lập quy hoạch cụ thể về khảo cổ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn từ nay cho đến năm 2020 nhằm đánh dấu, bảo vệ, khai quật, trưng bày và giới thiệu về tiềm năng và giá trị quan trọng của các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh.
Theo Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa