11:11, 28/11/2012

“Ông đồ” tuổi sinh viên

Nhiều tháng qua, trong không gian mang màu sắc xưa cũ của Hội quán Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa), xuất hiện thêm những bức thư pháp với nét chữ uốn lượn, bay bổng, chứa đựng nhiều ý nghĩa...

Không được đào tạo theo trường lớp mỹ thuật bài bản, nhưng bằng niềm đam mê với bộ môn thư pháp, chàng sinh viên Nguyễn Thanh Phi (Khoa Tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang) đã mạnh dạn đưa những tác phẩm mang màu sắc văn hóa truyền thống của mình đến gần hơn với mọi người.

Nét xưa ở danh thắng

Nhiều tháng qua, trong không gian mang màu sắc xưa cũ của Hội quán Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa), xuất hiện thêm những bức thư pháp với nét chữ uốn lượn, bay bổng, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Không ít du khách khi đến với danh thắng cấp quốc gia này đã tỏ rõ sự thích thú với những câu, chữ thư pháp được viết và đóng khung cẩn thận treo dưới hiên nhà Hội quán. “Đến với địa điểm du lịch Hòn Chồng, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên tạo của danh thắng với những khối đá mang nhiều hình thù kỳ lạ, mà còn có thể thưởng lãm những tác phẩm thư pháp mang màu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nó giúp cho chuyến tham quan của chúng tôi trọn vẹn cảm xúc hơn”, chị Nguyễn Thị Thu Lan - khách du lịch đến từ TP. Hà Nội cho biết. Còn vợ chồng anh Peter de Jong (du khách đến từ Hà Lan) sau khi đi tham quan, chụp hình quanh khu danh thắng Hòn Chồng, đã dừng chân lại khu vực trưng bày thư pháp và chọn mua một bức thư pháp. “Tôi thấy ở đây trưng bày những bức vẽ bằng mực đen rất lạ mắt, khi hỏi nhân viên mới biết đây là một cách viết chữ mang tính nghệ thuật của các bạn. Tôi đã chọn chữ Mẹ vì tôi muốn dành tặng món quà này cho người đã sinh ra tôi”.


Thu phap Thanh Phong: Thanh Phi đang viết thư pháp tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar trong dịp lễ Quốc khánh 2012.
Thanh Phi đang viết thư pháp tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar trong dịp lễ Quốc khánh 2012.

 

Theo quan sát của chúng tôi, tại danh thắng Hòn Chồng không chỉ có những tác phẩm thư pháp được viết trên chất liệu giấy, nơi đây còn trưng bày những bức thư pháp được viết trên các chất liệu đá, gỗ rất đẹp mắt. Những tác phẩm đó đã góp phần tô điểm thêm nét văn hóa cho danh thắng và là một sản phẩm văn hóa đầy ý nghĩa đối với du khách.

Chàng sinh viên cơ khí mê thư pháp

Qua thông tin do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cung cấp, chúng tôi thật ngạc nhiên khi biết tác giả của những bức thư pháp trên là Nguyễn Thanh Phi - chàng sinh viên năm cuối Khoa Tàu thủy Trường Đại học Nha Trang. Thanh Phi quê ở Quảng Ngãi, từ thời còn học phổ thông anh đã tỏ rõ niềm đam mê của mình với thư pháp. “Tôi đến với thư pháp từ chính sự yêu thích loại hình này. Không có điều kiện được theo học trường lớp mỹ thuật bài bản, tôi tự tìm cho mình cách học riêng là theo học những thầy, những người đi trước. Học thư pháp không khó, nhưng để viết được chữ đẹp, có hồn thì cả một quá trình luyện tập lâu dài”.

Ngay từ thời đó, Thanh Phi đã ra vỉa hè ngồi viết thư pháp vào dịp Tết Nguyên đán. Đến khi theo học ở Trường Đại học Nha Trang, Phi càng tỏ rõ năng lực và tình yêu của mình đối với thư pháp. Qua các diễn đàn trên mạng Internet, Phi đã có sự kết nối với những bạn trẻ có chung niềm đam mê với mình. Từ mối quan hệ đó, Phi đã học thêm được nhiều điều bổ ích, đồng thời có thêm điều kiện để trau dồi khả năng của mình. Không chỉ vậy, Phi còn tập hợp được nhóm bạn tại Nha Trang để cùng nhau tổ chức các hoạt động ý nghĩa về thư pháp. Từ việc ra vỉa hè viết thư pháp vào mỗi dịp Tết cổ truyền, Phi đã mạnh dạn liên hệ với các tụ điểm du lịch như Ana Mandara, Vinpearl Land... để được đến đó viết thư pháp phục vụ du khách. Hai năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, Phi cùng nhóm bạn đến Khu di tích Tháp Bà Ponagar, Hội quán Hòn Chồng để viết thư pháp, vẽ chân dung, ký họa phục vụ khách tham quan vào các dịp lễ, Tết, Festival.

Những việc làm trên của Phi đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. “Qua một thời gian để Thanh Phi và các bạn thực hiện việc viết, trưng bày thư pháp tại các địa điểm do Trung tâm quản lý, chúng tôi nhận thấy đây là những sinh viên có tâm huyết với văn hóa truyền thống. Du khách trong và ngoài nước rất thích thú với những sản phẩm của các em. Việc viết thư pháp ở các di tích, danh thắng không phải là vấn đề mới, nhưng các bạn sinh viên đã làm cho hoạt động này sinh động, đa dạng hơn”, bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết.

Bằng niềm đam mê với bộ môn thư pháp, cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thanh Phi đang có những việc làm ý nghĩa đối với nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ thật sự mang tính chiều sâu nếu những người trẻ ý thức được vấn đề đó.

N. TÂM