10:11, 27/11/2012

Người giữ hồn di tích

Đình Phương Sài khi được trùng tu gần như theo đúng thiết kế ban đầu, không có sự thay đổi nhiều. Đặc biệt, đình còn giữ được tượng bát tiên bằng đất nung có niên đại hàng trăm năm gắn hai bên cổ lầu, tạo nét độc đáo riêng...

 

Từ một quần thể di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, đến nay, đình Phương Sài (phường Phương Sơn, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) đã có diện mạo khang trang. Người có công lớn đứng ra giữ phần hồn cho di tích ấy là cụ Nguyễn Bộ - Trưởng Ban quản lý đình miếu Phương Sài.

Đồng lòng giữ gìn vốn di sản cha ông

Bây giờ, khi nhìn diện mạo khang trang của quần thể di tích đình miếu Phương Sài, ít ai có thể hình dung được nơi đây từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước năm 2006, ngôi đình có tuổi thọ hơn 200 năm bị rơi vào tình trạng hoang phế. Nhiều hạng mục công trình như: bái đường, cổ lầu... gỗ cây mục nát, mái ngói có nguy cơ sụp đổ; tường nhà nứt nẻ; tường rào đoạn có đoạn không; nhà bếp hư nát...


Khuôn viên đình Phương Sài.
Khuôn viên đình Phương Sài.

 

Cụ Nguyễn Bộ chia sẻ: “Hàng ngày, phải chứng kiến sự xuống cấp của ngôi đình, những người già như chúng tôi không khỏi lo lắng, băn khoăn làm sao gìn giữ vốn di sản của cha ông để được tồn tại đến mai sau; để con cháu sau này biết về truyền thống văn hóa của địa phương... Chính vì vậy, các thành viên trong Ban quản lý đã cùng nhau bàn bạc và quyết tâm trùng tu lại ngôi đình”. Quyết tâm là vậy, nhưng do nguồn quỹ của đình lúc đó chỉ có 22 triệu đồng nên để thực hiện trùng tu tất cả các hạng mục hư hỏng trong cùng một thời điểm là điều không thể. Phương án đưa ra là việc trùng tu sẽ được tiến hành theo cách cuốn chiếu, làm từng phần và trải đều trong nhiều năm. Khi biết đình Phương Sài chuẩn bị trùng tu, TP. Nha Trang có hỗ trợ cho Ban quản lý 150 triệu đồng, nhưng cụ Nguyễn Bộ và các thành viên trong Ban đã từ chối. Cụ Bộ nói: “Đình làng là của dân, nên dân phải có trách nhiệm trùng tu, sửa chữa. Chúng tôi không nhận kinh phí hỗ trợ của thành phố là muốn tiết kiệm cho Nhà nước, đồng thời cũng muốn kinh phí đó được đưa đến những nơi cần hơn”. Xã hội hóa kinh phí trùng tu đình là việc làm có ý nghĩa, nhưng không dễ thực hiện, bởi phải vận động làm sao cho người dân quyên góp, ủng hộ, để các mạnh thường quân tin tưởng. Bản thân cụ Nguyễn Bộ và gia đình là những người đi đầu trong việc đóng góp trùng tu đình. Mọi người thấy cụ nhiệt tình nên người ít, người nhiều đều tự nguyện đóng góp.

Đã thỏa tâm nguyện

Đình Phương Sài được lập vào đời vua Gia Long năm thứ 10 (năm 1811); đến đời vua Tự Đức năm thứ 19 (năm 1866), đình được xây lại khang trang hơn. Năm 1955, các hào lão và nhân dân dời đình về vị trí hiện tại để dành đất xây dựng trường học. Trong Cách mạng Tháng Tám, đình Phương Sài là nơi hội họp và bầu Ủy ban Kháng chiến lâm thời của địa phương, đồng thời là nơi tập luyện vũ trang chống Pháp, Nhật. Hiện nay, đình Phương Sài còn giữ được 15 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn qua các đời vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định.

Việc trùng tu đình được bắt đầu từ năm 2006, mỗi năm tiến hành một hạng mục. Tuy kinh phí eo hẹp nhưng khi trùng tu, cụ Nguyễn Bộ tỏ ra rất cẩn trọng như: tìm thợ giỏi, mua vật liệu tốt, đến Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh để được tư vấn về phương án trùng tu thích hợp nhất. Vì thế, đình Phương Sài khi được trùng tu gần như theo đúng thiết kế ban đầu, không có sự thay đổi nhiều. Đặc biệt, đình còn giữ được tượng bát tiên bằng đất nung có niên đại hàng trăm năm gắn hai bên cổ lầu, tạo nét độc đáo riêng. Đến năm 2012, việc trùng tu đình hoàn tất với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi trùng tu, khuôn viên của đình trở nên khang trang, sạch đẹp, trang nghiêm. Hiện nay, trong đình vẫn còn lưu giữ những bức liễn vải, liễn gỗ, ngai thờ, tượng có tuổi đời cả trăm năm. Là người được giao nhiệm vụ lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh cho đình Phương Sài, theo bà Nguyễn Thị Hồng Tâm - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ bảo tồn di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh: “Đình Phương Sài được trùng tu theo đúng hiện trạng nên vừa khang trang, vừa giữ được nét trang nghiêm vốn có. Trong quá trình trùng tu đình, cụ Nguyễn Bộ và các thành viên trong Ban quản lý đình luôn tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn”.

Bây giờ, mỗi lần đứng trước ngôi đình đã được trùng tu, cụ Nguyễn Bộ lại khấp khởi mừng trong lòng. Tâm nguyện bao nhiêu năm của cụ đối với ngôi đình đã được thực hiện. Khi nói về vấn đề trùng tu đình, cụ vẫn bảo đó là công sức của đông đảo người dân quyên góp kinh phí cũng như các hào lão có chung tâm huyết với di sản của người xưa. Đình Phương Sài đã trùng tu không chỉ giữ gìn được những giá trị văn hóa vật thể, mà còn góp phần làm sống dậy nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt đình làng của địa phương.

NHÂN TÂM