12:11, 07/11/2012

“Văn học nghệ thuật Nga đã bồi đắp tâm hồn tôi”

Nhiều người Việt Nam trước đây và bây giờ khi tiếp xúc với các tác phẩm văn học nghệ thuật Nga đều cho rằng họ cảm thấy tâm hồn mình như được bồi đắp những cảm xúc chân thành, những giá trị nhân văn của cuộc sống. Kiến trúc sư Ngô Toàn - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng là một người như vậy.

Nhiều người Việt Nam trước đây và bây giờ khi tiếp xúc với các tác phẩm văn học nghệ thuật Nga đều cho rằng họ cảm thấy tâm hồn mình như được bồi đắp những cảm xúc chân thành, những giá trị nhân văn của cuộc sống. Kiến trúc sư Ngô Toàn - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng là một người như vậy.

Chúng tôi đến thăm ông Ngô Toàn - người từng có 5 năm (1961 - 1966) theo học tại Trường Đại học xây dựng Kiev (Liên Xô cũ) - vào một buổi chiều. Giữa phố phường nhộn nhịp, căn nhà của ông (16 Đoàn Thị Điểm, Nha Trang) vẫn vang lên tiếng đàn piano với những bản nhạc về đất nước Nga tươi đẹp. Xuất thân từ dân kỹ thuật, nhưng ông Toàn vẫn tự nhận mình chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền văn hóa Nga, con người Nga. “Thời còn học ở Kiev, những sinh viên chuyên ngành kỹ thuật như tôi vẫn thường xuyên tìm đọc các tác phẩm văn học, hát những bài dân ca Nga, những ca khúc trữ tình, đặc biệt là rất yêu thích tranh của Levitan. Những người dân Nga hiền lành, chăm chỉ, cùng những cảm nhận sâu sắc về giá trị nhân văn qua các tác phẩm văn học nghệ thuật Nga đã tác động đến suy nghĩ, tình cảm của tôi về con người, về cuộc sống”, ông Toàn chia sẻ.

 Ông Ngô Toàn đang chơi những bản nhạc Nga trên cây đàn piano.

 Ông Ngô Toàn đang chơi những bản nhạc Nga trên cây đàn piano.

Ôn lại những kỷ niệm về nước Nga, ông Toàn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại một thời “tuổi trẻ sôi nổi” của mình. “Ngày đó, chúng tôi đọc ngấu nghiến những tập tiểu thuyết của Lev Tolstoi như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina; truyện ngắn của Maksim Gorki; tiểu thuyết của A.Tolstoi, Dostoievski, Gogol, Solokhov; thơ Puskin, L.Mantop...; nghe nhạc của Tchaikovxki, hát những bài dân ca Nga, những bài ca trữ tình của các nhạc sĩ Nga”. Khi mùa Hè tới, những sinh viên Việt Nam lại được về các nông trại để tham gia lao động cùng nông dân Nga. Từ những chuyến đi thực tế, kết hợp với những điều đã được đọc, được nghe, được thấy qua các tác phẩm văn học nghệ thuật Nga đã dần bồi đắp tâm hồn những lưu học sinh như ông Toàn.

Sau những năm học tập ở xứ sở bạch dương, ông Toàn nhận ra rằng, muốn có cuộc sống thoải mái, tâm hồn phải được thoải mái. Con người nên sống cần mẫn và phải làm được điều gì đó có ích cho đời. Vì thế, giờ đây, khi đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những bài ca về nước Nga như: Đêm đen, Chim dạ oanh đừng hót, Nước Nga tổ quốc tôi, Cây liễu, Tình ca du mục, Chiều hải cảng, Kachiusa... vẫn được ông cùng những người bạn của đội văn nghệ Hội Hữu nghị Việt - Nga cất lên một cách sôi nổi trong những lần gặp mặt. Mới đây, ông đã tự thu âm, quay hình phần biểu diễn của mình với các ca khúc: Đôi bờ, Chiều Mát-xcơ-va, Nước Nga tôi chưa đến, Chim dạ oanh đừng hót, Cây liễu và đưa lên trang Youtube. Chưa đầy 2 tháng, đã có khoảng 1.000 lượt truy cập vào để xem và nghe các bài hát về nước Nga do ông trình bày. Có thể nói, dù đã nhiều năm trôi qua, tình cảm của ông Toàn đối với người dân Nga, đất nước Nga vẫn rất sâu nặng. Và nước Nga thực sự là nơi đã nâng cánh tâm hồn ông trong suốt những năm tháng của cuộc đời.

N.TÂM

Mối quan hệ Việt - Nga được lãnh đạo hai nước xác định là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đã có hàng ngàn người Việt Nam sang học tập, làm việc, sinh sống ở Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay. Tại Khánh Hòa, hiện có khoảng 500 người từng học tập, làm việc ở các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ, Liên bang Nga ngày nay. Trong đó, có nhiều người sau khi trở về đã giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.