10:11, 26/11/2012

Khi giới trẻ “biến hóa” tiếng Việt

Để nhắn tin nhanh, chat gọn hoặc muốn thể hiện sự sành điệu, nhiều bạn trẻ không ngại ngần “biến hóa”, làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.

Để nhắn tin nhanh, chat gọn hoặc muốn thể hiện sự sành điệu, nhiều bạn trẻ không ngại ngần “biến hóa”, làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.

Muôn kiểu

Một giảng viên Khoa Đại cương và Nghiệp vụ văn hóa (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang) không khỏi bất ngờ khi nhận được tin nhắn của một sinh viên với nội dung: “Em chao thay ak. Thay ui, sang hum nj nha em co vjek, thay cho em nghj hok mot bui dk ko ak” (tạm dịch là: Em chào thầy ạ. Thầy ơi, sáng hôm nay nhà em có việc, thầy cho em nghỉ học một buổi được không ạ). Sau vài phút đọc và cố gắng hiểu tin nhắn, thầy giáo này lắc đầu, bảo: “Đọc tin nhắn của tuổi teen bây giờ như giải mật thư”. Những kiểu viết tin nhắn như trên không chỉ có ở một vài trường hợp mà đã trở thành phổ biến trong giới trẻ hiện nay (thế hệ được gọi là 9X, tuổi teen...). Chỉ cần xem một vài tin nhắn trên điện thoại hay vào các trang xã hội (facebook, blog, yahoo...), người đọc không khỏi sửng sốt trước muôn vàn kiểu “biến hóa” tiếng Việt của giới trẻ hiện nay.


Một tin nhắn với ngôn từ biến hóa của giới trẻ.
Một tin nhắn với ngôn từ biến hóa của giới trẻ.

 

Phần lớn giới trẻ tự sáng tạo, “biến hóa” ngôn từ và sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Một số từ thường được giới trẻ sử dụng như: ơi → ui, rồi → rùi, quê → we, hôm nay → hum ni, học → hok, bạn → pạn, trời ơi → trui ui, được → dk… Bên cạnh đó, nhiều ký hiệu trong toán học, hóa học cũng được giới trẻ biến hóa như: số 4 thay cho chữ A, số 3 được hiểu là chữ e, cu= là đồng bằng... Ngoài việc “chế biến” từ ngữ, giới trẻ còn có nhiều thành ngữ với ý nghĩa riêng, được sử dụng rất phổ biến trong giao tiếp như: “ăn chơi không sợ mưa rơi”, “chán như con gián”, “biết chết liền”... Khi được hỏi tại sao thường viết tin nhắn với những từ ngữ không chuẩn tiếng Việt, bạn Hoàng Thị Lan - sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang) cho biết: “Viết tin nhắn như thế vừa nhanh, gọn lại tiết kiệm được ký tự”; còn đối với bạn Phạm Viết Nghị (đường 2-4, Nha Trang), đó là cách thể hiện sự hài hước, vui vẻ và sành điệu.

Cần sự định hướng

Trước thực trạng trên, nhiều người không khỏi lo lắng, băn khoăn cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Thị Minh - giảng viên chuyên ngành Lý luận ngôn ngữ học (Khoa Xã hội học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) cho biết: “Chúng ta cần nhận định vấn đề này ở cả mặt được và không được. Cái được trong những ngôn từ của giới trẻ là sự hóm hỉnh, vui nhộn và giao tiếp nhanh. Nó không chỉ đáp ứng được nhu cầu khi giao tiếp bằng tin nhắn, chat... mà còn thể hiện sự yêu thích cái mới, cái lạ của giới trẻ. Tuy nhiên, cái không được ở đây là nếu sử dụng không phù hợp với hoàn cảnh, môi trường, đối tượng giao tiếp... sẽ gây ra sự phản cảm và có thể phá vỡ các mối quan hệ. Bên cạnh đó, nếu giới trẻ quá lạm dụng những ngôn từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt”. Theo Tiến sĩ Ngô Thị Minh, việc giới trẻ sử dụng ngôn từ như hiện nay chỉ là hiện tượng lời nói, không phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là sự chuẩn mực, có tính hệ thống, còn lời nói mang tính cá nhân và luôn có sự thay đổi. Tùy vào hoàn cảnh, đối tượng, môi trường giao tiếp mà ngôn từ được sử dụng linh hoạt, phù hợp. Đó được gọi là văn hóa ngôn ngữ.

Những ngôn từ “biến hóa” của giới trẻ đã và đang được sử dụng rộng rãi từ bàn phím điện thoại, máy tính đến giao tiếp hàng ngày. Tuy sự biến hóa đó chỉ mang tính cá nhân, nhưng lại ảnh hưởng đến đối tượng giao tiếp, nét thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống và sự giàu đẹp trong ngôn ngữ của cha ông. Vì vậy, theo Tiến sĩ Ngô Thị Minh, trước sự “biến hóa” ngôn ngữ Việt của giới trẻ hiện nay, chúng ta cần có định hướng, giúp giới trẻ hiểu được giá trị của chuẩn mực ngôn ngữ.

MAI HOÀNG