08:11, 16/11/2012

Hồn quê bên chân Tháp

Những sản phẩm như: tượng đất nung, dệt thổ cẩm, tranh cát, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân địa phương, đã góp phần níu chân du khách mỗi lần đến chiêm ngưỡng Tháp Bà Ponagar, Nha Trang.

Những sản phẩm như: tượng đất nung, dệt thổ cẩm, tranh cát, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân địa phương, đã góp phần níu chân du khách mỗi lần đến chiêm ngưỡng Tháp Bà Ponagar, Nha Trang.     

Với mong muốn tạo cho du khách không gian chiêm ngưỡng những giá trị hồn quê, Trung tâm quản lý Di tích và Danh lam Thắng cảnh tỉnh đã cho trưng bày một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ bên chân Tháp. Đó là quầy hàng dệt thổ cẩm của người Chăm, gian trưng bày tranh cát của nghệ nhân Nguyễn Thị Thu, tượng đất nung của nghệ nhân - nghệ sĩ tạo hình Đoàn Xuân Hùng - một trong những người con Nha Trang đã phục hồi và phát huy thương hiệu gốm Lư Cấm (được làm từ đất sét bên bờ sông Cái) nổi tiếng một thời khắp Bắc - Trung - Nam. Anh Đoàn Xuân Hùng rất tự hào bởi tượng đất nung anh sáng tạo hôm nay chính là nguồn nguyên liệu mà cổ nhân đã sử dụng để dựng nên quần thể các tòa tháp của Tháp Bà Ponagar. Anh Hùng chia sẻ: “Nặn tượng không chỉ là niềm đam mê sáng tạo mà còn là sự thành kính của tôi gửi tới tiên tổ. Tôi muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình thông điệp về sự vĩnh cửu của giá trị truyền thống”.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu vẽ tranh cát tại quầy trưng bày ở Tháp Bà Ponagar.
  Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu vẽ tranh cát tại quầy trưng bày ở Tháp Bà Ponagar.

Nằm bên cạnh gian hàng tượng đất nung là gian trưng bày tranh cát Hồng Châu Sa của nghệ nhân Nguyễn Thị Thu. Bà đã cho trưng bày ở đây hàng trăm bức tranh về phong cảnh thiên nhiên và con người Nha Trang - Khánh Hòa với chất liệu hoàn toàn bằng cát thiên nhiên. Đúng như lời giới thiệu được treo ở giữa quầy tranh: “Tranh cát Hồng Châu Sa là sản phẩm nghệ thuật tự nghiên cứu, chất liệu vẽ bằng cát, được sưu tập từ các địa phương trong tỉnh…”. Bút vẽ là những chiếc muỗng, thanh tre vót nhọn đủ kích cỡ, màu vẽ là cát tự nhiên với nhiều màu sắc khác nhau. Vẽ tranh cát là nghệ thuật sắp xếp màu sắc của cát theo những hình khối, đường nét tạo hình để tạo nên những bức tranh, những bức chân dung theo ý muốn. Cát được nén chặt trong lòng khung, ly… nên khi di chuyển không bị biến dạng và có thể vận chuyển đi xa. Điểm độc đáo là tranh cát không dùng chất nhuộm màu và keo kết dính. Khi ghé thăm nơi đây, du khách còn tận mắt ngắm nhìn thao tác của nghệ nhân Thu khi sử dụng các cây bút cát uyển chuyển theo từng nét vẽ. Nhìn những tác phẩm tranh cát, nhiều du khách ngỡ ngàng nhận ra một miền quê nào đó từng sống, từng đi qua. Quầy trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ cây dó bầu, một loài cây tạo ra trầm kỳ đặc trưng cho địa danh “xứ Trầm” cũng tạo ấn tượng cho nhiều du khách…

Tuy mang một dáng vẻ rất riêng cả về sắc màu, hình khối, trạng thái nhưng các gian hàng bên chân Tháp đều cho thấy nét đẹp hồn quê của xứ Trầm hương.

VŨ NGUYÊN