07:11, 23/11/2012

Đáp ứng phong tục truyền thống của nhân dân

 

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội như: lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Đền Hùng Vương, lễ hội Am Chúa…Nhìn chung, các lễ hội này đều được tổ chức lành mạnh, trang nghiêm, sôi nổi và thực sự gắn bó với nhân dân...

 

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội như: lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Đền Hùng Vương, lễ hội Am Chúa…Nhìn chung, các lễ hội này đều được tổ chức lành mạnh, trang nghiêm, sôi nổi và thực sự gắn bó với nhân dân.

Người dân - chủ thể của lễ hội


Hàng năm, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đã đi đúng hướng.
Hàng năm, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đã đi đúng hướng.

 Từng nhiều lần tham dự các lễ hội trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy khi đến với lễ hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của hoạt động đó. Ở các lễ hội, tinh thần đoàn kết, nét đẹp văn hóa tâm linh luôn được người dân đề cao. Trong số rất nhiều lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trên địa bàn tỉnh, lễ hội Tháp Bà có quy mô lớn nhất, diễn ra trong thời gian dài với nhiều hoạt động như: lễ cầu quốc thái dân an, lễ tạ Mẫu, lễ cầu siêu, lễ thả hoa đăng... Cùng với đó là các hoạt động mang tính chất hội gồm múa bóng, múa Chăm, múa lân, hát văn, hát tuồng, thi rước nước, thi kết hoa và một số trò chơi dân gian. Mỗi dịp diễn ra lễ hội Tháp Bà cũng là dịp để mỗi người cùng thành tâm hướng về đức Mẫu, về đấng sinh thành. “Về với Mẫu và thành kính dâng lên Mẫu những lễ vật giản dị để cầu mong Mẫu ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Chúng tôi rất vui vì trải qua thời gian nhưng lễ hội vẫn giữ được bản sắc và rất gần gũi với tâm nguyện của người dân”, chị Đặng Thị Hương (dân tộc Chăm, huyện Thuận Nam , tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ. Đến với lễ hội Tháp Bà, chúng ta còn được thấy tinh thần đoàn kết Chăm - Việt. Tất cả các phong tục, tín ngưỡng của người hành hương đều được tôn trọng. Điều đó đã mang lại màu sắc đa dạng nhưng thống nhất của lễ hội.

Các lễ hội khác như: lễ hội Am Chúa, lễ hội Đền Hùng Vương, lễ hội Đền Trần, lễ cúng lăng, cúng đình… đều do chính người dân tự đứng ra đóng góp, tổ chức và là nhân vật chính của lễ hội. Điều này đã mang đến những sắc thái tích cực cho các lễ hội.

Nỗ lực để hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đi đúng hướng

Nhiều năm qua, công tác phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và tổ chức lễ hội của nhân dân luôn được đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức Trung tâm Bảo tồn di tích coi trọng. Không chỉ riêng vào những ngày chính hội, mà trong các ngày rằm, mùng một, lễ, Tết, hoạt động này vẫn thường xuyên diễn ra để người dân thỏa nguyện tâm linh của mình. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Trung tâm là phải có sự định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân về tín ngưỡng, lễ hội; tránh những hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để làm những việc không đúng bản sắc văn hóa tâm linh. Tại di tích Tháp Bà, Trung tâm phục vụ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho đồng bào Chăm không thu phí. Nếu người nào có nhu cầu ở lại thì được bố trí bếp, dụng cụ nấu cúng chu đáo, thuận tiện. Vào các lễ hội Xuân - Thu nhị kỳ, Trung tâm phối hợp với các phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị, thành phố, các Ban quản lý tổ chức tốt lễ hội diễn ra ở các di tích trong tỉnh. Với các lễ hội có quy mô như: lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa...hoạt động lễ hội đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa. “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để người dân tham gia các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, hoàn thành tâm nguyện của mình. Tuy nhiên, để hoạt động tín ngưỡng, lễ hội gìn giữ được bản sắc truyền thống, lành mạnh, Trung tâm luôn có sự phổ biến, nhắc nhở và định hướng. Chính vì vậy, những biểu hiện tiêu cực đã từng bước được loại bỏ, trả lại bầu không khí tín ngưỡng, lễ hội theo đúng phong tục truyền thống”, bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết.

Bên cạnh đó, để làm tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ khách hành hương, Trung tâm luôn có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có di tích, cùng lực lượng Công an và ngành Y tế. Nhờ đó, nhiều năm qua, tình hình mất trật tự vào mùa lễ hội, ở các di tích đã được hạn chế tối đa; các vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng không xảy ra. Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đã dần đi vào quy củ. Những biểu hiện tiêu cực được hạn chế tối đa. Tín ngưỡng, lễ hội đã thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Tất cả là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Chúng tôi đánh giá cao những việc làm mà Trung tâm đã thực hiện được, đồng thời mong muốn thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phát huy trong công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của ông cha để lại”.

Kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và 15 năm thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, Trung tâm đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

GIANG ĐÌNH