09:11, 20/11/2012

Dấu ấn về Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung

Tuy đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng di tích miếu cổ này vẫn còn lưu giữ được những thông tin có giá trị về Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung cũng như tục cầu đảo của nhân dân...

Lâu nay, dưới chân núi Tân Phú (tục gọi núi Đá Đen, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có sự tồn tại của một phế tích: miếu Đá Đen (còn gọi là miếu Bà). Tuy đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng di tích miếu cổ này vẫn còn lưu giữ được những thông tin có giá trị về Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung cũng như tục cầu đảo của nhân dân.


 Di tích miếu Đá Đen chỉ còn là phế tích.
Tấm bia ký do Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung soạn là một tư liệu quý.

 

Mới đây, nhóm tác giả Trần Đình Hằng, Trần Thanh Hoàng, Vũ Ngọc Hải đến từ Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế và Phòng Di sản thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã có những công bố ban đầu về di tích miếu Đá Đen. Theo đó, căn cứ vào tấm bia được dựng năm Tự Đức thứ 26 (1873) còn khá nguyên vẹn, các tác giả đã giải mã được lý do dựng miếu, tục lệ cầu đảo của người dân thời nhà Nguyễn, đặc biệt là về nhân vật lịch sử Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung (tướng dưới quyền của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định).

Chuyện về người soạn bia và lệ cầu đảo

Hiện tại, ở miếu Đá Đen vẫn còn hiện hữu tấm bia được làm bằng đá trắng, có kích thước cao hơn 1m, rộng gần 0,7m, trán bia hình ngũ nhạc với họa tiết trang trí theo mô thức lưỡng long triều nguyệt, diềm bia được trang trí các hình long diệp, diềm phía dưới theo lối hình kỷ hà. Bia được đặt trên một đài hình hộp không có chân, được giật cấp để tạo sự mềm mại. Trên mặt bia có khắc những dòng chữ Hán. Theo bản dịch của ông Lê Đình Hùng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, nội dung tấm bia nói về bối cảnh khai lập làng xã ở Khánh Hòa thời nhà Nguyễn; sự hiển linh của Mẹ xứ sở Thiên Y A Na với tục cầu đảo; nhân vật lịch sử còn ít người biết đến là Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung khi ông ẩn mình với nhiệm vụ Điển nông sứ.

Tác giả của tấm bia ký này là Phan Trung (1814 - 1884), có tự là Tứ Đan, hiệu Bút Phong, người quê Ninh Thuận. Ông Trung là người cương nghị, khí tiết. Năm Tự Đức thứ 14 (1861), ông chiêu mộ được hơn 1.000 lính dõng theo Trương Định đánh Pháp. Do vai trò kháng Pháp khá nổi bật nên quân Pháp biết rõ ông là ai và tìm cách bắt giữ. Vua Tự Đức thấy vậy bèn cho ông lánh xa chiến trận để lưu dùng sau này. Lúc này, ông được giữ nhiệm vụ Điển nông sứ đi khai khẩn những vùng đất bỏ hoang ở Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên. Khi đến khẩn hoang ở Khánh Hòa, gặp cảnh hạn hán kéo dài, được biết khu vực núi Đá Đen tương truyền là nơi linh khí của Mẹ xứ sở Thiên Y A Na hun đúc, ông đã lập đàn cầu mưa và được linh ứng. Vì vậy, sau này, ông cho người dựng miếu làm nơi thờ tự để tưởng nhớ công ơn. Bản thân ông là người văn hay nên được giao soạn bia ký nói rõ mục đích, ý nghĩa của việc dựng miếu.

Theo nhóm tác giả Trần Đình Hằng, Trần Thanh Hoàng, Vũ Ngọc Hải, bia đá tại miếu Đá Đen là bằng chứng thuyết phục cho sự hiện diện của Bình Tây Phó Nguyên soái Phan Trung trong vai trò Điển nông sứ vào giai đoạn cam go nhất của phái chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn. Đây cũng là dấu ấn nổi bật cho sự hiển linh đặc biệt của Mẹ xứ sở Thiên Y A Na trong đời sống dân gian.

Bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh: Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đây là di tích có giá trị lịch sử. Trung tâm đang có hướng đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép di dời tấm bia ở vị trí hiện tại lên phía trên nền khu di tích như một bức án phong để thuận tiện cho việc tu sửa (vị trí hiện tại nằm trong hành lang an toàn đường sắt). Việc trùng tu di tích miếu Đá Đen vẫn cần nhiều nghiên cứu về thiết kế, kiến trúc, lễ thức, phẩm vật… Trung tâm đã làm việc với xã để có thể cắm mốc di tích trong thời gian sớm nhất.

Cần được trùng tu, tôn tạo


Di tích miếu Đá Đen chỉ còn là phế tích.
Di tích miếu Đá Đen chỉ còn là phế tích.

 

Hiện nay, di tích miếu Đá Đen chỉ còn là một phế tích với nền đá, một vài đoạn tường được xây bằng gạch chum bị đổ nát. Theo ông Trần Văn Ngọc (71 tuổi, ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích): “Khi tôi còn nhỏ đã thấy miếu Đá Đen bị hoang phế. Về sau này, khi dân làng Tân Phú dời lên phía trên, di tích này gần như rơi vào quên lãng, không còn ai đến thờ tự nữa”. Hiện tại, ở một số bệ thờ và tấm bia đã được người dân xây những bi miếu nhỏ để che mưa nắng, nhưng không ai nhớ rõ là xây năm nào.

Trao đổi với ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích - chúng tôi được biết, từ khi biết được giá trị của miếu Đá Đen, xã đã giao cho một người dân ở làng Vạn Thuận chăm sóc hương đèn. Xã cũng đang tiến hành việc đo đạc xác định diện tích khu miếu để tạo điều kiện cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cắm mốc di tích. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cung cấp thêm thông tin về di tích miếu Đá Đen để xã có thể phổ biến đến người dân nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di tích. Thời gian tới, xã sẽ thành lập ban quản lý để tránh tình trạng xâm hại di tích và hoạt động mê tín dị đoan. Chính quyền xã rất mong các cơ quan chức năng xác định giá trị của di tích để có phương án phục dựng” - ông Khánh bày tỏ.

Với những giá trị tâm linh, lịch sử của di tích miếu Đá Đen, nên chăng, ngành Văn hóa tỉnh cần có sự quan tâm, đầu tư trùng tu, tôn tạo để di tích thực sự thể hiện được vai trò vốn có.

NHÂN TÂM - BÍCH LA