Với gần 800 thành viên, qua 2 năm hoạt động, các Câu lạc bộ Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong các trường học ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)...
Với gần 800 thành viên, qua 2 năm hoạt động, các Câu lạc bộ (CLB) Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa (DSVH) trong các trường học ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) không chỉ chăm sóc, bảo vệ di tích trên địa bàn mà còn góp phần giáo dục lịch sử địa phương cho các em học sinh.
Hiệu quả của các câu lạc bộ thí điểm
Theo số liệu của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Diên Khánh, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 350 di tích, trong đó có các di tích cấp quốc gia như: Thành cổ Diên Khánh, Am Chúa, Miếu thờ Trịnh Phong... và 39 di tích cấp tỉnh. Để góp phần bảo vệ vốn DSVH quý báu này, năm 2010, phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên huyện thành lập 3 CLB thí điểm về bảo vệ và phát huy DSVH trong các trường học. Các trường được chọn làm thí điểm là Trung học Cơ sở (THCS) Trần Quang Khải, Phan Chu Trinh, Trịnh Phong với tổng số gần 800 học sinh tham gia.
Mỗi CLB nhận chăm sóc một số di tích trên địa bàn và lên kế hoạch hoạt động cho CLB. CLB Trường THCS Trần Quang Khải nhận chăm sóc 4 di tích là Am Chúa, Văn Miếu, chùa Đại Phúc và đình Đại Điền Trung. Với 320 thành viên, hàng tháng, CLB phân chia các em học sinh đến quét dọn, làm vệ sinh ở các di tích này. Cô Nguyễn Thị Diệu - Chủ nhiệm CLB Trường Trần Quang Khải cho biết: “Bên cạnh hoạt động thường xuyên là quét dọn, làm vệ sinh, chúng tôi còn tổ chức cho các em một số hoạt động ngoại khóa ngay tại di tích với nội dung phong phú như: tổ chức thi tìm hiểu di tích bằng các hình thức trắc nghiệm, diễn kịch; trồng hoa, cây xanh... CLB còn phát động và hướng dẫn các em sưu tập những tài liệu, hiện vật liên quan đến các di tích của địa phương”.
Thành viên Câu lạc bộ Bảo vệ và phát huy DSVH Trường Trung học Cơ sở Trịnh Phong chăm sóc, làm vệ sinh tại miếu thờ Trịnh Phong. (Ảnh do Trường Trung học Cơ sở Trịnh Phong cung cấp) |
Các em học sinh của CLB Trường THCS Trịnh Phong được phân công chăm sóc Miếu Trịnh Phong. Ngoài công việc chăm sóc di tích, ngay tại ngôi trường mang tên Đại tướng Bình Tây Trịnh Phong, 120 thành viên của CLB đã có nhiều hoạt động thiết thực như: thành lập tủ sách trưng bày tài liệu về di sản; lồng ghép câu hỏi tìm hiểu di sản vào cuộc thi Olympic của trường, sưu tập văn thơ, thư tịch và cổ vật liên quan đến các di tích... Hàng năm, CLB còn tổ chức cho thành viên đi tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh. Em Trần Nhật Khánh Huyền, lớp 9/1, Trường THCS Trịnh Phong chia sẻ: “Được tham gia các hoạt động của CLB, em thấy rất hào hứng và thích thú. Từ việc chăm sóc, quét dọn di tích đến các chuyến đi tham quan các di tích trong tỉnh đều tạo cho chúng em môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích. Chúng em còn biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử và các di tích tại địa phương”.
Cần nhân rộng trong các trường học
Tuy mới hoạt động 2 năm nhưng các CLB Bảo vệ và phát huy DSVH của các trường học ở huyện Diên Khánh đã mang lại hiệu quả trong việc giáo dục lịch sử địa phương và khơi gợi ý thức bảo vệ di sản trong các em học sinh. Đánh giá về hoạt động của các CLB này đối với công tác giáo dục trong nhà trường, thầy Trần Châu Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải cho biết: “Sau khi tham gia CLB, được tìm hiểu về lịch sử, di tích của địa phương, các em học sinh đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ di sản; đồng thời giáo viên phụ trách bộ môn lịch sử cũng có nhiều thay đổi về phương pháp giảng dạy so với trước đây. CLB đã tạo cho các em niềm hào hứng, phấn khởi và có trách nhiệm hơn với những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Vì vậy, tôi nhận thấy nên nhân rộng các CLB như thế này, đặc biệt là trong các trường học”.
Ý nghĩa lớn nhất mà CLB Bảo vệ và phát huy DSVH mang lại là giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, làm sống lại các di tích vốn chỉ được biết đến qua sách vở, lời kể. Ông Đặng Chí Thiệu - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Diên Khánh, người đưa ra ý tưởng thành lập các CLB Bảo vệ và phát huy DSVH chia sẻ: “Nếu các di tích chỉ mở cửa vào các dịp lễ, Tết thì sẽ không phát huy được giá trị vốn có của nó. Trong khi đó, thế hệ trẻ ngày nay đang bị hổng kiến thức lịch sử quá nhiều, thậm chí có thái độ bàng quan với giá trị văn hóa của cha ông. Vì vậy, những người làm văn hóa như chúng tôi phải có trách nhiệm làm cầu nối đưa các em đến với các di tích và ngược lại, để từ đó khơi dậy ý thức trân trọng giá trị DSVH trong thế hệ trẻ”.
Không chỉ riêng huyện Diên Khánh, trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương như: TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh... cũng đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa rất giá trị. Vì vậy, các địa phương cũng có thể nhân rộng mô hình hoạt động của CLB Bảo vệ và phát huy DSVH để góp phần giáo dục lịch sử địa phương cho các thế hệ trẻ.
MAI HOÀNG