Một sân khấu nhỏ được dựng ngay dưới chân cầu Xóm Bóng (Nha Trang) để biểu diễn các tiết mục đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, dân ca bài chòi, hát bội phục vụ nhân dân; ....
Một sân khấu nhỏ được dựng ngay dưới chân cầu Xóm Bóng (Nha Trang) để biểu diễn các tiết mục đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, dân ca bài chòi, hát bội phục vụ nhân dân; mỗi đêm diễn thu hút đông đảo khán giả. Điều đó đã minh chứng cho sức sống của nghệ thuật truyền thống (NTTT) trong lòng công chúng.
“Đến cầu Xóm Bóng xem tuồng”
Vừa ngồi xuống chiếc ghế nhựa, ông Trần Bảy (phường Vĩnh Thọ) gọi điện thoại cho bạn: “Anh Năm đến cầu Xóm Bóng xem tuồng nghe. Vừa mới diễn đó, xem xong mình xuống ghe đi làm luôn”. Hỏi chuyện mới biết, ông Bảy vừa cho ghe neo lại bên cầu Xóm Bóng để chờ bạn cùng đi làm. Thấy trên bờ có diễn tuồng cải lương, bài chòi, hát bội nên ông tranh thủ lên xem. Vốn là người yêu thích những loại hình nghệ thuật này nên ông tỏ ra rất hứng thú và gọi bạn đến xem cùng cho vui. “Dân biển chúng tôi mê mấy loại tuồng này lắm. Những hôm đi biển thì mở đĩa để nghe, còn khi lên bờ thấy có nơi nào diễn là tới xem liền. Xem trực tiếp vẫn thú vị hơn xem đĩa nhiều”, ông Bảy cho biết. Chúng tôi vừa ngồi nói chuyện với ông Bảy, vừa xem trích đoạn cải lương Người điên về quán trọ. Đến đoạn hai mẹ con người mù đi xin ăn, khi vừa nghe cô bé Xuân Thi (đóng vai người con) ca xong một câu thật mùi, ông Bảy liền lấy tờ 20 ngàn đồng quấn vào cành liễu rồi đến gần sân khấu tặng diễn viên nhí. “Con bé còn nhỏ mà ca hay quá. Hát đến câu cuối mà giọng của nó vẫn cao vút, trong trẻo, nghe thật đã” - ông Bảy bày tỏ. Không chỉ riêng ông Bảy, rất đông khán giả theo dõi đêm diễn đều thích thú với các tiết mục, trích đoạn của gánh hát. Mỗi khi các diễn viên ca hay, múa đẹp, khán giả đều vỗ tay tán thưởng. Nhiều người lên gần sân khấu để thưởng tiền cho các diễn viên. Không khí đó khiến cho chúng tôi nhớ lại khoảng thời gian hơn 20 năm trước, khi các loại hình sân khấu truyền thống đang thời hoàng kim, mỗi đêm diễn thu hút hàng trăm khán giả mua vé vào xem.
Trích đoạn “Người điên về quán trọ” do bé Xuân Thi và chị Thu Hằng biểu diễn. |
Qua tìm hiểu được biết, gánh hát biểu diễn dưới chân cầu Xóm Bóng chính là các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) NTTT thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh và CLB không tổ chức bán vé. Sau nhiều đêm biểu diễn tại các địa phương khác nhau, tối 26-10, CLB về dựng rạp biểu diễn ở khu vực này. Đoàn có 12 người, do anh Nguyễn Thanh Dũng - Chủ nhiệm CLB phụ trách. Hàng đêm, ngoài các tiết mục đờn ca tài tử, đoàn còn diễn các trích đoạn bài chòi như Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn...; trích đoạn tuồng Tam Hạ Nam Đường, Huê thần nữ dâng ngũ linh kỳ...; một số trích đoạn cải lương: Phạm Công Cúc Hoa, Người điên về quán trọ... Các thành viên trong đoàn đều là người trong cùng một gia đình với 3 thế hệ: ông bà - con - cháu. “Gia đình chúng tôi chuyên về NTTT từ nhiều đời nay. Mỗi năm vào mùa lễ hội, chúng tôi đi hát lăng, hát đình, thời gian còn lại đi diễn phục vụ bà con khắp nơi. Dân mình bây giờ tuy không còn ái mộ NTTT như trước, nhưng vẫn còn nhiều người mê, đặc biệt là người lớn tuổi, vì vậy đoàn của chúng tôi vẫn sống được bằng nghề”, anh Nguyễn Thanh Dũng chia sẻ.
Mạch ngầm nghệ thuật truyền thống
Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng một trong những lý do khiến NTTT dần mai một chính là sự quay lưng của khán giả. Điều này chỉ đúng một phần, bởi có đi sâu tìm hiểu mới thấy vẫn còn một bộ phận dân chúng rất yêu thích các loại hình sân khấu truyền thống. NTTT vẫn như mạch ngầm âm ỉ chảy trong dân, vấn đề là chúng ta có biết cách khơi nguồn cho sự phát triển các loại hình nghệ thuật đó. Những đoàn tuồng tư nhân, những gánh hát gia đình, CLB NTTT chính là minh chứng cho sức sống của NTTT trong lòng dân chúng. Việc một đoàn NTTT nhỏ mang tính chất gia đình dựng sân khấu biểu diễn trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, nhưng hàng đêm vẫn thu hút lượng khán giả khoảng 200 người đủ để thấy người dân vẫn còn quan tâm tới NTTT. Ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho rằng: “Đến thời điểm hiện tại, NTTT vẫn được duy trì trong nhân dân. Mức thu nhập mỗi đêm diễn của các diễn viên ở những đoàn tư nhân từ 100 đến 200 ngàn đồng (tùy theo vai diễn), tuy không cao nhưng cũng đủ nuôi sống họ. Muốn gìn giữ, phát triển các loại hình NTTT, chúng ta phải có những việc làm từ gốc, từ chính niềm đam mê của người dân”. Cùng quan điểm đó, ông Huỳnh Ngọc Châu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết thêm: “Trung tâm chú trọng phát triển mô hình các CLB nghệ thuật, trong đó có CLB NTTT. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB này vẫn trên tinh thần tự nguyện với nguồn kinh phí xã hội hóa là chính. Để góp phần gìn giữ NTTT, Trung tâm cũng chỉ giúp được CLB về mặt chủ trương, kiểm soát về mặt nội dung biểu diễn và giúp họ trong việc xin cấp phép biểu diễn. Tuy nhiên, có thể thấy hoạt động của CLB NTTT đã mang lại những hiệu quả nhất định. Nếu chúng ta có chế độ khuyến khích thì chắc chắn các thành viên của CLB sẽ đóng góp nhiều hơn cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”.
NHÂN TÂM