07:10, 07/10/2012

Sống cùng lễ hội và du lịch

Từ nhiều năm qua, các đoàn tuồng hoạt động chủ yếu vào mùa lễ hội cúng lăng, cúng đình và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Hoạt động này đã tạo nên sức sống của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống trong lòng các thế hệ khán giả ở xứ Trầm Hương.

Từ nhiều năm qua, các đoàn tuồng hoạt động chủ yếu vào mùa lễ hội cúng lăng, cúng đình và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Hoạt động này đã tạo nên sức sống của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống trong lòng các thế hệ khán giả ở xứ Trầm Hương.

Diễn tuồng mùa lễ hội

Ở Khánh Hòa, hàng năm, các làng thường tổ chức lễ hội cúng lăng, cúng đình để cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Trong những ngày hội làng vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, hát bội là một hoạt động không thể thiếu. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 ngôi đình, 40 lăng thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội. Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật tuồng. Hiện Khánh Hòa có 5 đoàn tuồng tư nhân với khoảng 40 diễn viên, cùng với đó là vai trò chủ đạo của hơn 30 diễn viên đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh. Tuy nhiên, vào dịp cao điểm với hơn 1/2 số lăng, đình tổ chức lễ hội thì lực lượng diễn viên, nhạc công của sân khấu tuồng không đáp ứng đủ nhu cầu. “Mỗi năm vào dịp cao điểm của lễ hội, lịch diễn của chúng tôi luôn kín, nhiều lúc phải thuê các đoàn tuồng từ tỉnh ngoài đến biểu diễn những show đã nhận”, ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết.

Trích đoạn “Đoạt đò” do các diễn viên Đoàn tuồng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.

Trích đoạn “Đoạt đò” do các diễn viên Đoàn tuồng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.

Sân khấu tuồng vào mùa lễ hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả. Người dân đến xem tuồng không chỉ bằng tình yêu với loại hình sân khấu truyền thống này, mà còn bằng cả trách nhiệm, bổn phận đối với làng. Những ngày biểu diễn phục vụ lễ hội, sân khấu tuồng thực sự được sống cùng với nhân dân, các nghệ sĩ, diễn viên luôn được “cháy” hết mình với các vai diễn. Thực tế này càng khiến các nghệ sĩ, diễn viên thêm tin yêu vào con đường nghệ thuật mình đã chọn. “Để biểu diễn phục vụ bà con được tốt, chúng tôi không ngừng nỗ lực trau dồi nghiệp vụ và tinh thần. Nó thực sự kích thích sự sáng tạo, thăng hoa của người diễn viên”, diễn viên Kim Thoa - Đoàn tuồng Nhà hát NTTT tỉnh chia sẻ.

Thu hút du khách

Hát bội ra đường phố, hát bội vào nhà hàng, khách sạn, chuyện nghe lạ tai nhưng không phải điều gì mới. Bởi nó đã được thực hiện từ nhiều năm nay để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Du khách đã bị sân khấu tuồng thu hút bởi đây là một loại hình sân khấu khá lạ mắt, có sự tích hợp giữa hát - múa - diễn - phục trang. Xem tuồng, có thể những vị khách nước ngoài không biết tiếng Việt, nhưng qua những vũ bộ, ngữ khí, ngữ điệu, ánh mắt diễn viên, họ phần nào cảm nhận được nội dung lớp diễn. “Loại hình kịch hát này của các bạn rất độc đáo, vẻ bề ngoài của các diễn viên rất bắt mắt với khuôn mặt được hóa trang lạ, râu, tóc, trang phục, đạo cụ cũng khiến chúng tôi tò mò. Khi xem các diễn viên biểu diễn, chúng tôi biết được phần nào câu chuyện muốn diễn tả”, ông Ivan Sheckop - du khách Nga bày tỏ.

Sân khấu tuồng phục vụ du lịch vẫn được giữ nguyên những tinh hoa truyền thống. Bên cạnh đó, nó đã được trau chuốt gọn gàng hơn để du khách dễ theo dõi và thưởng thức được nét đặc trưng nhất của tuồng, phù hợp với thời gian, không gian, đặc điểm biểu diễn phục vụ du lịch. “Sân khấu tuồng tuy rất tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận được. Bởi dù sao, trong tuồng sử dụng quá nhiều Hán tự, nhiều điển tích. Cùng với đó, kỹ thuật biểu diễn của một số diễn viên còn kém, hát không rõ lời, diễn thiếu cảm xúc... Chính vì vậy, làm sao để có được những lớp diễn phù hợp với đặc thù đối tượng khán giả là khách du lịch là điều rất khó”, ông Nguyễn Tứ Hải cho biết thêm. Gần đây, sân khấu tuồng phục vụ du khách đã được thực hiện hiệu quả hơn. Vốn NTTT đã được tìm tòi, khai thác nhiều hơn để phục vụ du khách.

Để tuồng sống cùng lễ hội, đi vào du lịch một cách bền vững, nên chăng cần có những giải pháp tích cực. Các đoàn tuồng tư nhân cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của ngành Văn hóa các cấp. Nên có sự đầu tư để họ làm tốt hơn hoạt động truyền dạy nghề; để họ có điều kiện nâng cao chất lượng các vở diễn phục vụ khán giả. Bên cạnh duy trì lượng khán giả đã có, cần phát triển thêm lượng khán giả mới bằng những giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật để có thể hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ.

NHÂN TÂM