07:10, 20/10/2012

Rưng rưng những dòng thơ về Mẹ

Nghĩ về Mẹ, trong mỗi chúng ta luôn dâng trào niềm thương, nỗi nhớ. Bóng dáng Mẹ dịu dàng, tần tảo sớm hôm là nguồn cảm hứng vô tận của thơ, ca, nhạc, họa. Đọc những dòng thơ về Mẹ, chúng ta như được sống lại với cảm xúc thật của mình để không khỏi rưng rưng, bồi hồi.

Nghĩ về Mẹ, trong mỗi chúng ta luôn dâng trào niềm thương, nỗi nhớ. Bóng dáng Mẹ dịu dàng, tần tảo sớm hôm là nguồn cảm hứng vô tận của thơ, ca, nhạc, họa. Đọc những dòng thơ về Mẹ, chúng ta như được sống lại với cảm xúc thật của mình để không khỏi rưng rưng, bồi hồi.

“Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa”

Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương, câu ca tự thuở nào đã in hằn vào trong trái tim của biết bao thế hệ người con đất Việt, để đến hôm nay, mỗi lần nhớ lại lòng lại cảm thấy trĩu nặng, bùi ngùi nghĩ về một thời gian khó. Mạch cảm xúc đó được nhà thơ Nguyễn Duy thể hiện tinh tế trong bài thơ Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa. Hình ảnh người Mẹ nghèo được nhà thơ khắc họa qua những dòng thơ đầy tâm trạng: Mẹ ta không có yếm đào/Nón mê thay nón quai thao đội đầu/Rối ren tay bí tay bầu/Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa. Mẹ quanh năm suốt tháng lầm lũi với ruộng vườn, thầm lặng hy sinh đời mình để nuôi con khôn lớn thành người. Gia tài của Mẹ để lại cho ta chẳng có gì ngoài những lời ru bồi đắp tâm hồn, theo ta đi suốt cuộc đời: Cái cò… sung chát đào chua/Câu ca Mẹ hát gió đưa về trời/Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời Mẹ ru. Lời Mẹ ru giản dị, mộc mạc, nhưng đó là tiếng lòng được hun đúc qua bao thế hệ, đó là lẽ sống ở đời mà mỗi người phải tự thấm lấy để cảm, để hiểu Mẹ ru cái lẽ ở đời/Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn. Với nhà thơ Nguyễn Duy, Mẹ đã cho ta tất cả những gì cao quý, tốt đẹp nhất trên đời.

Hình ảnh về Mẹ trong những bài thơ luôn gây xúc động với mọi người (ảnh minh họa).

Hình ảnh về Mẹ trong những bài thơ luôn gây xúc động với mọi người (ảnh minh họa).

Hình ảnh người Mẹ nghèo cũng được nhà thơ Huy Cận thể hiện bằng những vần thơ bình dị mà sâu sắc trong bài thơ Mẹ ơi - đời Mẹ. Bài thơ mở đầu như một lời khẳng định: Mẹ ơi! đời mẹ khổ nhiều/Trách đời Mẹ giận bao nhiêu cho cùng/Mà lòng yêu sống lạ lùng/Mẹ không chút nản thương chồng, nuôi con. Mẹ của ta là vậy, dù đời có khổ đến tận cùng vẫn không chút phàn nàn, oán thán. Mẹ vẫn lạc quan để chăm lo cho chồng, con và coi đó như sứ mệnh, như lẽ hiển nhiên của người phụ nữ. Chính điều đó, càng khiến hình ảnh của Mẹ mãi đẹp trong lòng chúng ta. Mẹ nhận lấy hết phần khó khăn, vất vả về mình: Rét Đông đi cấy đi cày/Nóng Hè bãi cát, đường lầy đội khoai/Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài/Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa. Những điều tưởng như ngoài sức chịu đựng của chúng ta thì đối với Mẹ đó là việc thường ngày phải làm. Mẹ gửi hết tất cả mong ước vào những đứa con của mình và lấy đó làm niềm vui.

“Mẹ già như chuối chín cây”

Cảm xúc khi viết những dòng thơ về Mẹ đó còn là sự xót xa trước cảnh bóng chiều tà buông về trên đời Mẹ. Theo lẽ tự nhiên, khi những người con dần lớn khôn, ấy cũng là khi Mẹ càng già đi. Thương Mẹ, nhưng con đành bất lực nhìn thời gian hằn dấu lên đời Mẹ và đó có lẽ là cảm giác chua xót nhất của những người làm con. Thực tế đó đã khiến nhà thơ Đỗ Trung Quân phải thốt lên trong bài Mẹ với những vần thơ riết róng. Con sẽ không đợi một ngày kia/Khi Mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc/Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ/Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/Chạy điên cuồng qua tuổi Mẹ già nua… Nghĩ về “cuộc hành trình thầm lặng đi về phía hoàng hôn” của Mẹ, những người con luôn thấy mình có lỗi. Cái lỗi của sự vô tư đến mức vô tâm, cái lỗi của người con chỉ biết nhận tình thương yêu từ Mẹ.

Ta ra đi mười năm xa vòng tay mẹ/Sống tự do như một cánh chim bằng/Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái/Có bao giờ thơ cho Mẹ ta không. Mẹ bình dị và thân thương quá khiến ta ít nhận ra được bổn phận của mình, để đến khi kịp nhận ra thì sự đời đã quá muộn.

Sau biết bao va đập giữa cuộc đời, chúng ta thèm được quay trở về bên Mẹ để tìm chốn bình yên như thời thơ bé. Nhưng tất cả chỉ còn là ký ức xa xôi, ai có thể níu kéo được dòng thời gian cuộn chảy. Nhà thơ Thanh Nguyên bộc lộ sự hụt hẫng của mình trước thực trạng đó khi viết những câu thơ: Khi con biết đòi ăn/Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo/Khi con đòi ngủ/Mẹ là người thức hát ru con/Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn/Là khi tóc Mẹ ngày thêm sợi bạc. Nỗi buồn như nhân đôi với những người con phải xa Mẹ khi Mẹ đang như lá vàng trên cây: Ngày xưa ấy khi con nhỏ bé/Chưa bao giờ rời Mẹ tấc gang/Nay con cách trở quan san/Hướng về quê Mẹ đôi hàng lệ rơi (Bài thơ Dâng Mẹ, tác giả Thanh Mai). Nghĩ về cảnh bóng hoàng hôn buông dần trên đời Mẹ, nhà thơ Trần Trung Đạo chỉ mong được đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười: Nghe tiếng Mẹ ơi bỗng lặng người/Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi/Ví mà con đổi thời gian được/Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.

Những ngày tháng 10, đọc lại những bài thơ về Mẹ để cảm, để hiểu hơn nỗi lòng tâm sự chân thật của những người con. Nghĩ về Mẹ, lòng không khỏi rưng rưng.

NHÂN TÂM