09:10, 22/10/2012

Lễ cúng bến nước ở Ninh Tây trước nguy cơ bị mai một

Hiện nay, xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ còn 2/4 thôn của người Ê Đê còn giữ được phong tục cúng bến nước hàng năm.

Hiện nay, xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ còn 2/4 thôn của người Ê Đê còn giữ được phong tục cúng bến nước hàng năm.

Mai một dần một nét văn hóa truyền thống lâu đời

Lễ cúng bến nước thường được người Ê Đê tổ chức đầu năm sau khi thu hoạch mùa vụ nhằm tạ ơn Thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc trong năm mới. Lễ vật gồm heo, ché rượu cần, cơm nấu bằng lúa mới... Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ cúng, người dân trong thôn không đi làm, tập trung ở nhà già làng để ăn uống, vui chơi. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê Đê.

Xã Ninh Tây hiện có 4 thôn là địa bàn sinh sống của người Ê Đê nhưng chỉ có thôn Buôn Lác và Buôn Sim còn tổ chức cúng bến nước hàng năm; Buôn Đung và Buôn Tương không còn duy trì phong tục này. Ông Y Hiu - Trưởng thôn Buôn Đung cho biết: “Từ năm 1994 đến nay, thôn Buôn Đung không tổ chức cúng bến nước như phong tục vốn có của người Ê Đê. Nhiều thanh niên trong làng chưa từng được tham dự lễ cúng bến nước của thôn làng mình; già làng và những người lớn tuổi trong thôn rất buồn khi không giữ được phong tục xưa”. Không chỉ có ông Y Hiu mà ông Y Quắp (58 tuổi) ở thôn Buôn Đung cũng tỏ ra nuối tiếc khi giới thiệu với chúng tôi về bộ cồng chiêng của gia đình: “Bộ cồng chiêng này có từ thời ông cố nội để lại, dùng để đánh trong dịp lễ cúng của thôn làng, nhất là dịp cúng bến nước hàng năm. Tuy nhiên, gần 20 năm nay, thôn không còn tổ chức cúng nữa nên tôi chỉ biết xếp ở góc nhà, ít khi sử dụng đến”.

Gần chục năm nay, người dân thôn Buôn Tương cũng chưa tổ chức lễ cúng bến nước ở thôn mình. Ở thôn Buôn Lác và Buôn Sim, tuy vẫn tổ chức cúng hàng năm nhưng quy mô, nghi lễ cũng không còn giữ được nguyên vẹn như trước. Thầy cúng (người nắm giữ nghi lễ, bài cúng) đã lớn tuổi, già yếu nên nhiều người dân trong thôn lo lắng một vài năm nữa sẽ không còn duy trì và tổ chức được lễ cúng truyền thống.

Nghi thức trong lễ cúng bến nước của người Ê Đê ở xã Ninh Tây
Nghi thức trong lễ cúng bến nước của người Ê Đê ở xã Ninh Tây

Cần được khôi phục và bảo tồn

Theo một số người già của thôn Buôn Đung, việc người dân ở 2 thôn Buôn Đung và Buôn Tương không còn duy trì lễ cúng bến nước do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu kinh phí tổ chức. Trước đây, người dân trong thôn thường đóng góp bò, heo cho già làng để làm lễ vật cúng thần linh và tổ chức ăn uống cho cả thôn, làng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tục lệ đó không còn nên mỗi lần tổ chức lễ cúng bến nước, già làng và trưởng thôn phải vận động người dân đóng góp bằng tiền (từ 20 - 30 ngàn đồng/hộ). Ngoài ra, trong 3 ngày ăn uống tại nhà già làng, mỗi hộ còn phải đóng góp con gà, ché rượu... Vì vậy, việc vận động đóng góp để tổ chức lễ cúng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức, quan niệm của lớp thanh niên trẻ ngày nay về lễ cúng bến nước cũng có nhiều thay đổi. Ông Y Đắp (thôn Buôn Tương) nhận xét: “Thanh niên bây giờ là trụ cột kinh tế trong gia đình nhưng không mặn mà với phong tục tập quán của cha ông nên việc vận động đóng góp để tổ chức lễ cúng gặp trở ngại. Trong sinh hoạt, dân làng vẫn sử dụng nước sông, suối, tuy nhiên, việc định canh định cư với hệ thống nước tự chảy, giếng đào đã ít nhiều làm thay đổi quan niệm của thanh niên về ý nghĩa và sự linh thiêng của Thần nước”.

Anh Nguyễn Văn Lương, cán bộ phụ trách Nhà truyền thống, Trung tâm Văn hóa thể thao thị xã Ninh Hòa, người đã tiến hành công trình sưu tập, nghiên cứu và khôi phục lễ cúng truyền thống này cho biết: “Trong công trình sưu tập, nghiên cứu, tôi tập trung giới thiệu về nghi lễ, ý nghĩa của lễ cúng bến nước đối với đời sống tâm linh của người Ê Đê; đồng thời chỉ ra nguyên nhân khiến phong tục này dần bị mai một và cách thức khôi phục, giải pháp bảo tồn. Trong các giải pháp, tôi đặc biệt chú trọng đến sự phối hợp của người dân, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý trong việc khôi phục và bảo tồn phong tục cúng bến nước, một nét văn hóa truyền thống lâu đời nhất của người Ê Đê”. Anh Lương cũng cho biết thêm, sau khi công trình này hoàn thành, anh sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu về lễ cúng bến nước ở các trường học và trưng bày ở Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa.

Sự phối hợp, quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý trong việc khôi phục và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê là rất cần thiết. Tuy nhiên, để những giá trị truyền thống đó được lưu giữ lâu bền, không thể không xem trọng việc giáo dục, truyền dạy cho chính thế hệ trẻ của dân tộc Ê Đê. 

MAI HOÀNG