Vượt qua gần 100 kịch bản của các tác giả trong toàn quốc tham dự tác phẩm kịch bản sân khấu xuất sắc năm 2011 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, mới đây, kịch bản tuồng lịch sử “Danh phận” của tác giả Nguyễn Sĩ Chức đã vinh dự được trao giải B (không có giải A và giải C).
Vượt qua gần 100 kịch bản của các tác giả trong toàn quốc tham dự tác phẩm kịch bản sân khấu xuất sắc năm 2011 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, mới đây, kịch bản tuồng lịch sử “Danh phận” của tác giả Nguyễn Sĩ Chức đã vinh dự được trao giải B (không có giải A và giải C).
Luận giải đạo quân thần
Lấy bối cảnh lịch sử là cuộc chiến Lê - Mạc những năm cuối, kịch bản tuồng lịch sử “Danh phận” đã phần nào luận giải đạo lý quân thần theo tôn chỉ: “Danh phận là bờ đê giữ nước/Danh có chính thì cương thường mới lập”. Với 8 cảnh diễn, kịch bản này đã khắc họa nguyên nhân sâu xa dẫn đến cảnh diệt vong của vương triều nhà Mạc trong lịch sử phong kiến Việt Nam giai đoạn Nam - Bắc triều thế kỷ XVI chính là bởi quân bất minh - thần bất trung - sơn hà tắc loạn.
Câu chuyện “Danh phận” đề cập tới năm 1592 niên hiệu Hồng Ninh triều Mạc Mậu Hợp và năm Quang Hưng thứ 14 nhà Lê (vua Lê Thế Tông). Tác giả ngược dòng thời gian trở lại năm cuối của triều vua thứ 5 nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp, khi chính thể bộc lộ những căn bệnh hiểm nghèo, khó bề tránh khỏi họa bại vong: vua vì ham thú hưởng lạc đã quên việc chính sự, không chăm lo đến cuộc sống trăm dân; quan lại hèn nhát, cơ hội, chỉ lo đục khoét làm giàu. Những trung thần liệt tướng như: Mạc Đôn Nhượng, Nguyễn Quyện, Bùi Văn Khuê một lòng phò vua, canh cánh việc nước đã không được trọng dụng mà còn bị hãm hại vì nhiều lý do khác nhau. Lão thần Mạc Đôn Nhượng phải cởi áo từ quan; chiến tướng Nguyễn Quyện tự vẫn để chứng minh lòng trung nghĩa; thống lĩnh thủy quân Bùi Văn Khuê vô cớ bị khép tội khi quân phạm thượng. Không những lỗi đạo quân vương, Mạc Mậu Hợp còn lỗi đạo cương thường, giở trò sàm sỡ với tiết nữ Ngọc Quan (vợ tướng quân Nguyễn Quyện), đẩy tình cha con phải biệt ly, nghĩa vợ chồng gặp cảnh trái ngang, đạo vua tôi rơi vào nghịch cảnh.
Cái chết của Mạc Mậu Hợp dưới tay Trịnh Tùng - Thái úy nhà Lê là kết cục tất yếu của một kẻ hôn quân vô độ, cũng là kết cục tất yếu của một vương triều không được lòng người, danh không chính, ngôn không thuận. Trước cái chết của mình, Mạc Mậu Hợp đã phải thốt lên: “Tổ tiên giết vua, tiếm hiệu/Gây điều đại tội thế nhân/Còn ta... điều vui thú những ham/Lại chém giết đại thần lương đống”.
Tác giả Sĩ Chức. |
Cái nhìn hiện đại về lịch sử
Lịch sử Việt Nam giai đoạn Nam - Bắc triều (từ năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, tiếm xưng đế hiệu, đến năm 1592 Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng tiêu diệt) đã được tác giả Sĩ Chức chuyển tải trong 3 kịch bản tuồng: Sóng dậy Lê triều, Triết vương Trịnh Tùng và Danh phận. Kịch bản “Danh phận” xoay quanh chủ đề “quân minh - thần trung - xã tắc thái bình; quân bất minh - thần bất trung - sơn hà tắc loạn”. Qua đó luận hai chữ “chính danh” của bậc trên ngai vàng và những phận làm tôi trước đạo nghĩa cương thường. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của “ông thầy tuồng đất Khánh Hòa”, những điều đó hoàn toàn không bị bó buộc. Trước nghịch cảnh hôn quân, đấng làm tôi trung tìm lối đi riêng cho mình. Có người giữ gìn khí tiết “tôi trung không thờ hai chủ” nên cởi áo từ quan hoặc tự vẫn trước mặt vua để minh chứng lòng trung, nhưng cũng có người lại suy nghĩ: “Vua coi bề tôi như thủ túc/Bề tôi coi vua như cha con/Vua coi bề tôi như cỏ rác/Bề tôi coi vua như giặc”. Đây có thể xem là lối tư duy táo bạo trong hoàn cảnh xã hội phong kiến vốn coi trọng đạo lý tam cương, ngũ thường. Tác giả Sĩ Chức đã vận dụng linh hoạt hành động và cách nghĩ hiện đại vào trong một vấn đề lịch sử nhạy cảm, nhiều tranh cãi. Từ đó chỉ rõ đâu là chính danh, đâu là vô đạo. “Qua câu chuyện từ thời Lê - Mạc, kịch bản tuồng “Danh phận” gửi tới khán giả đương đại ý niệm: Khi ta đắc ý, thỏa mãn, không kiềm chế được bản năng, dục vọng, khinh nhờn phép nước, coi thường đạo lý thì con người từ đấng minh quân sẽ trở thành hôn quân, từ thời hưng thịnh sẽ đến hồi mạt vận chỉ trong gang tấc” - tác giả Sĩ Chức chia sẻ. Được biết, kịch bản này được tác giả viết trong vòng một năm. Đây là đề tài anh tâm đắc, bởi theo anh “tuy là đề tài lịch sử nhưng nó đã phả vào đấy hơi thở của thời đại và vẫn có tác động tới cuộc sống hôm nay”.
Một giai đoạn lịch sử của dân tộc vẫn đang được các nhà sử học nghiên cứu làm rõ với nhiều quan điểm trái chiều. Với vai trò của một nhà viết kịch, trên cứ liệu lịch sử, tác giả Sĩ Chức đã có những sáng tạo riêng để câu chuyện kịch thực sự mang đến một thông điệp, giãi bày một khía cạnh nào đó về hiện thực lịch sử.
NHÂN TÂM
Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh: Tác giả Nguyễn Sĩ Chức là một trong những tác giả viết kịch bản sân khấu hàng đầu Việt Nam, đặc biệt ở 2 lĩnh vực tuồng và dân ca. Việc đoạt giải lần này với tác phẩm “Danh phận” đã phần nào phản ánh điều đó. Các kịch bản của ông thường đi sâu vào đề tài lịch sử nhưng ẩn chứa những vấn đề thời sự hiện nay nên luôn được đánh giá cao tại các hội thi, hội diễn. Đối với tỉnh Khánh Hòa, tác giả đã góp phần làm cho nền sân khấu địa phương ngày càng phát triển mạnh hơn”.
Tác giả Sĩ Chức - hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Anh đã có nhiều tác phẩm kịch bản sân khấu tuồng, dân ca được công bố rộng rãi. Những kịch bản được anh tâm đắc nhất có thể kể đến như: Giông tố bụi trần, Giọt đắng nhân tình, Trần Hưng Đạo, Huyền thoại Mẹ xứ sở. Hiện tại, anh đang sáng tác 2 kịch bản mới: Thống tướng Phan Đình Phùng, Miền ký ức.