05:10, 04/10/2012

“Món ngon” đãi khách

Những điệu múa, lời ca, tiếng trống, tiếng đàn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Chăm được biểu diễn ngay dưới chân Tháp Bà Ponagar hay những bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc ở khu danh thắng Hòn Chồng .....

Những điệu múa, lời ca, tiếng trống, tiếng đàn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Chăm được biểu diễn ngay dưới chân Tháp Bà Ponagar hay những bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc ở khu danh thắng Hòn Chồng thực sự đã mang đến cho du khách cảm nhận thú vị khi đến các địa chỉ trên.

Vui lòng khách đến

Sôi động, lạ mắt là cảm nhận chung của nhiều người khi xem các tiết mục văn nghệ được biểu diễn dưới chân Tháp Bà Ponagar. Với trang phục truyền thống, đầu đội bình nước, tay cầm quạt, trên nền nhạc sôi nổi, những cô gái Chăm uyển chuyển trong các điệu múa đặc trưng của dân tộc mình. Tiếng trống ghi năng rộn ràng càng làm cho không gian thêm sinh động. “Điệu múa của các cô gái ở đây thật duyên dáng, âm nhạc nghe cũng rất hay. Đến với di tích này, tôi không chỉ được thấy kiến trúc độc đáo thuở xa xưa của các bạn mà còn hiểu thêm nét văn hóa truyền thống được lưu giữ đến hôm nay”, bà Susann Angela - du khách đến từ Mỹ cho biết. Để tạo sức sống cho di tích Tháp Bà Ponagar, từ nhiều năm qua, Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh (QLDT-DLTC) tỉnh đã gắn kết giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của tháp với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người Chăm. Đội múa dân gian do những cô gái dân tộc Chăm thể hiện, các nhạc công đánh trống ghi năng cũng xuất thân từ các làng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, một số nghề thủ công truyền thống của người Chăm như dệt vải, làm gốm cũng được thực hiện ngay trong không gian tháp đã tạo được sự hứng thú cho du khách. “Tôi đã đến một số di tích của người Chăm cổ, nhưng rất ít nơi làm được điều tương tự như ở Tháp Bà Ponagar. Cái hay ở đây chính là việc đưa những người dân đến biểu diễn những tiết mục dân ca, dân vũ và làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của dân tộc mình”, anh Nguyễn Trung Phi - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét.

Khu danh thắng Hòn Chồng cũng có những hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách. Vào buổi tối cuối tuần, khi đến đây, du khách không chỉ bất ngờ trước vẻ đẹp thiên tạo mà còn được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà qua các bản hòa tấu bằng nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn t’rưng... Ngoài ra, nơi đây còn thường xuyên trưng bày ảnh và tranh cát... Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên đã tạo được sự hứng thú cho du khách, góp phần làm đa dạng các loại hình dịch vụ ở các di sản.

Những điệu múa, lời ca, tiếng trống, tiếng đàn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Chăm được biểu diễn ngay dưới chân Tháp Bà Ponagar hay những bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc ở khu danh thắng Hòn Chồng

Du khách luôn thích thú với những tiết mục văn nghệ biểu diễn ở Tháp Bà Ponagar.

Nâng cao chất lượng

Chứng kiến một buổi diễn của đội văn nghệ Chăm ở Tháp Bà Ponagar, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều lỗi kỹ thuật cần khắc phục. Hệ thống âm thanh không tốt, phần nhạc cho các tiết mục múa không được chuẩn bị chu đáo nên bị đảo lộn từ bài này sang bài khác. Một điều đáng tiếc là trong các tiết mục biểu diễn chưa có người giới thiệu cho du khách biết đó là tiết mục gì, có ý nghĩa như thế nào và thường được biểu diễn trong hoàn cảnh nào. Với một số đoàn khách có hướng dẫn viên thì thông tin họ nắm được cũng chỉ là: đây là những người đàn ông và phụ nữ dân tộc Chăm. Họ đang khoác trên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những điệu múa và nhạc cụ họ đang biểu diễn là tiết mục truyền thống của họ. Ở danh thắng Hòn Chồng, những bản nhạc hòa tấu cũng còn ít và thiếu chiều sâu.

Có thể nói, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các di tích, danh thắng đã tạo được hiệu ứng tốt với du khách. Tuy nhiên, để hoạt động này giữ được sức hút và tránh sự đơn điệu, nên chăng Trung tâm QLDT-DLTC tỉnh cần có biện pháp để nâng cao chất lượng các loại hình này. Trao đổi về vấn đề này, bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm QLDT-DLTC tỉnh cho biết: “Cái được của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở di tích, danh thắng là đã tạo được mô hình hoạt động mang tính đặc trưng của người Chăm. Tuy nhiên, những tiết mục đó vẫn mang tính chất truyền thống, chưa có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu để giới thiệu rõ ràng cho du khách. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã cử một nhân viên chuyên nghiên cứu về các điệu múa Chăm cũng như mối quan hệ giao lưu giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho du khách nhiều thông tin hơn”. Cũng theo bà Châu, Trung tâm QLDT-DLTC tỉnh đang có kế hoạch mở thêm nhiều loại hình văn hóa khác ở các di tích, danh thắng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

NHÂN TÂM