Những năm gần đây, gallery tranh (phòng tranh) trở nên trầm lắng, không còn nhộn nhịp người mua kẻ bán như trước. Nhiều phòng tranh đang loay hoay tìm hướng đi mới.
Những năm gần đây, gallery tranh (phòng tranh) trở nên trầm lắng, không còn nhộn nhịp người mua kẻ bán như trước. Nhiều phòng tranh đang loay hoay tìm hướng đi mới.
Im hơi lặng tiếng
Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, số lượng các gallery tranh chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung nhiều nhất ở khu phố Tây. Hoạt động của các phòng tranh này rất trầm lắng, vắng vẻ. Bước vào gallery tranh Sóng Màu trên đường Nguyễn Thiện Thuật, trước mắt chúng tôi là hàng trăm bức tranh phong phú về nội dung, màu sắc và được trang trí khá bắt mắt. Chị Nguyễn Bảo Quyên - chủ phòng tranh cho biết: “Tôi kinh doanh phòng tranh này đã hơn 5 năm. Phần lớn tranh bày bán là tranh copy, có giá từ 30 đến 100 đô la, đối tượng khách chủ yếu là người nước ngoài. Một vài năm đầu, việc buôn bán khá dễ dàng, khách thích tranh là mua ngay. Tuy nhiên, 2, 3 năm gần đây, tranh bán khá chậm, nhất là vào mùa mưa. Do kinh tế ngày càng khó khăn nên khách hàng rất đắn đo khi mua một bức tranh; bên cạnh đó nhu cầu của khách cũng thay đổi rất nhiều”. Quan sát một vài du khách Nga vừa bước vào, chúng tôi thấy họ chỉ xem tranh qua loa, ngắm nhìn thợ vẽ, hỏi giá một vài bức tranh rồi đi ra.
Hiện nay, tại các gallery, khách đến xem tranh nhiều nhưng mua tranh rất ít. |
Gallery tranh Rainbow (đường Trần Quang Khải) của họa sĩ Bùi Văn Quang cũng khá im hơi lặng tiếng. Không giống như các phòng tranh khác, phòng tranh của họa sĩ Quang (được mở ra năm 1995) chỉ trưng bày những tác phẩm do ông sáng tác. Vì vậy, từ cách trang trí đến nội dung của các bức tranh đều thể hiện phong cách riêng của ông. Họa sĩ Bùi Văn Quang chia sẻ: “Lúc thành lập phòng tranh này, ở TP. Nha Trang mới chỉ có vài phòng tranh. Sau đó, phong trào mở gallery tranh nở rộ với nhiều hình thức. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều gallery tranh đóng cửa do không bán được tranh, trong khi đó chi phí duy trì phòng tranh cao. Hiện nay, gallery của tôi cũng không còn trông chờ vào nguồn khách vãng lai nữa”.
Tìm hướng đi mới
Vào một số phòng tranh trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Lê Thành Phương, Phan Bội Châu, chúng tôi nhận thấy, khách xem tranh nhiều nhưng khách mua hầu như không có. Tuy không phải là mùa cao điểm trong năm về buôn bán tranh (mùa cao điểm là vào dịp Tết) nhưng không thể phủ nhận tình hình ế ấm của các phòng tranh hiện nay.
Không còn trông chờ vào nguồn khách vãng lai, nhiều phòng tranh đang tìm hướng đi mới để tồn tại. Họa sĩ Bùi Văn Quang cho biết: “Vẽ tranh và bán được tranh vừa khẳng định công sức lao động của người họa sĩ, vừa để giới thiệu tác phẩm đến với đông đảo khán giả. Họa sĩ phải sống bằng tranh của mình mới là họa sĩ. Vì vậy, tôi đã tìm cho mình những hướng đi mới như: mở triển lãm tranh cá nhân, tham gia các cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Khi chất lượng tác phẩm đã được khẳng định, nhiều nhà sưu tập tranh, buôn tranh sẽ tìm đến mua tranh”. Mở và tham gia các cuộc triển lãm, gửi tranh ở khách sạn, nhà hàng... là hướng đi của những họa sĩ ít nhiều đã khẳng định được tên tuổi. Còn đối với những phòng tranh của các họa sĩ chưa thành danh hay phòng tranh mang nặng yếu tố kinh doanh (như tranh copy) lại có hướng đi khác. Chị Nguyễn Bảo Quyên chia sẻ: “Ngoài bán tranh trực tiếp, tôi đang bán tranh trên mạng. Đây cũng là hướng đi phù hợp để tăng nguồn thu cho phòng tranh”. Một phòng tranh khác trên đường Hùng Vương lại chọn cách đưa thêm những loại hàng hóa khác như: vòng ốc ngọc trai, tượng lưu niệm... để làm phong phú thêm các mặt hàng. Chủ nhân của phòng tranh này cho biết, trong lúc tranh không bán được thì đây là cách lấy ngắn nuôi dài.
Gallery là địa điểm để giới thiệu và bán những tác phẩm nghệ thuật cho công chúng. Có người luôn đặt nặng vấn đề phải bán được tranh, nhưng cũng có người chỉ xem đó là nơi để triển lãm tác phẩm của mình. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều, hiện nay, những phòng tranh cũng đang chịu nhiều sức ép từ quy luật cung - cầu.
MAI HOÀNG
Họa sĩ Bùi Văn Quang - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Khánh Hòa: “Khoảng 7, 8 năm trước, các gallery nở rộ và hoạt động mua, bán tranh cũng rất nhộn nhịp. Hiện nay, nhiều phòng tranh phải đóng cửa do không bán được tranh. Tuy nhiên, những phòng tranh mang tính nghệ thuật đích thật vẫn tồn tại theo cách riêng của nó.