09:10, 17/10/2012

Gìn giữ và phát triển nhạc cụ truyền thống

Với tâm huyết gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê và Raglai, hơn 3 năm nay, Hội Cựu chiến binh xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thành lập và duy trì rất hiệu quả Câu lạc bộ Cồng chiêng.

Với tâm huyết gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê và Raglai, hơn 3 năm nay, Hội Cựu chiến binh xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thành lập và duy trì rất hiệu quả Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng.

Giữ gìn bản sắc

Xã Ninh Tây là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống. Trong đó, dân tộc Ê Đê và Raglai chiếm khá đông. Đối với người Ê Đê và Raglai, cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Từ đám cưới, lễ cúng đến đám tang, người Ê Đê và Raglai đều đánh cồng chiêng để diễn tả niềm vui, nỗi buồn. Tuy nhiên hiện nay, ở Ninh Tây, cồng chiêng đang dần mất đi giá trị vốn có khi số lượng bộ cồng chiêng và những người chơi nhạc cụ này ngày một ít. Với mong muốn bảo tồn và phát triển nhạc cụ truyền thống, năm 2009, Hội Cựu chiến binh xã Ninh Tây đã thành lập CLB Cồng chiêng với hơn 20 thành viên, phần lớn là người Ê Đê và Raglai. Ông Phạm Văn Ngoan - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Tây, Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng cho biết: “Hiện nay, Ninh Tây chỉ còn 5 bộ cồng chiêng, trong đó 4 bộ của người Ê Đê, 1 bộ của người Raglai. Những người biết chơi cồng chiêng ngày một ít và phần lớn tuổi đã cao. CLB Cồng chiêng là nơi tập trung những người biết đánh cồng chiêng đến sinh hoạt và biểu diễn, nhằm bảo tồn cho nhạc cụ truyền thống không bị mai một”.

Đội cồng chiêng biểu diễn trong lễ cúng bến nước của thôn Buôn Tương (xã Ninh Tây)
Đội cồng chiêng biểu diễn trong lễ cúng bến nước của thôn Buôn Tương (xã Ninh Tây)

Với tâm huyết và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống, CLB cồng chiêng đã biểu diễn tại các dịp lễ cúng của dân làng như: cúng bến nước, lúa mới... hoặc tham gia các hội diễn văn nghệ của địa phương. Không chỉ biểu diễn cồng chiêng, những thành viên của CLB còn kết hợp với các nhạc cụ khác như: sáo, kèn bầu... để tạo thành những bản hòa âm hùng tráng, da diết. Ông Y Quắp (58 tuổi, người Ê Đê) cho biết: “Tôi tham gia CLB đã 3 năm. Được đánh cồng chiêng cho mọi người xem, tôi thấy thích và vui”.

Tuy tuổi đã cao nhưng phần lớn thành viên của CLB vẫn là trụ cột kinh tế nên thời gian sinh hoạt rất hạn chế. Bên cạnh đó, do CLB không có cồng chiêng nên mỗi lần tập luyện phải đi mượn của người dân (phải làm lễ cúng thần linh mới được đánh). Vì những khó khăn trên, CLB không sinh hoạt theo lịch cụ thể như các CLB khác mà chỉ tập luyện trước những dịp lễ cúng, lễ hội vài ngày.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Tuy là người dân tộc Mường nhưng ông Phạm Văn Ngoan lại rất đam mê và yêu thích nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê, Raglai. Việc thành lập và duy trì hiệu quả CLB Cồng chiêng do ông đứng đầu đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên, ông vẫn còn nhiều trăn trở khi thế hệ thanh niên hiện nay ít mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, ông đã cùng với các thành viên CLB đưa ra kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên xã dạy cách đánh cồng chiêng và một vài nhạc cụ dân tộc khác cho thanh niên. “Thế hệ trẻ là những người sẽ tiếp nối việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Vì vậy, chúng tôi đã chọn những thanh niên có tâm huyết để truyền dạy cách đánh cồng chiêng. Vừa qua, chúng tôi đã tập trung một số thanh niên ở thôn Buôn Đung để hướng dẫn và tập luyện. Phải mất 2 đến 3 năm, những thanh niên này mới đánh cồng chiêng thành thạo” - ông Ngoan cho biết.

Không chỉ dạy cách đánh cồng chiêng, CLB còn vận động, khuyến khích thanh niên tham gia CLB để cùng biểu diễn cồng chiêng phục vụ dân làng. Anh Y Tuấn - Bí thư Chi đoàn thôn Buôn Đung bày tỏ: “Nhờ vào sự truyền dạy của các bác, chú trong CLB Cồng chiêng, tôi đã biết cách đánh cồng chiêng sao cho đúng, cho hay. Điều quan trọng hơn, chúng tôi đã hiểu được trách nhiệm của thế hệ đi sau trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân vang của cồng chiêng luôn là linh hồn trong tục cúng kính, sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê, Raglai. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ truyền thống này trước hết phải là những người con của dân tộc đó. CLB Cồng chiêng không chỉ góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cầu nối đưa những nét văn hóa của ông cha đến với thế hệ trẻ ngày nay. Đó chính là những việc làm có ý nghĩa của CLB này trong thời gian qua.

HOÀNG DUNG