Xin được gọi 37 tạp bút trong “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro”của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền là những đoản khúc về ký ức tuổi thơ, tuổi trẻ của chính chị và có thể là của rất nhiều người khác.
Tạp bút Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro. |
Xin được gọi 37 tạp bút trong “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro”của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền là những đoản khúc về ký ức tuổi thơ, tuổi trẻ của chính chị và có thể là của rất nhiều người khác.
1. “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro” như những lời ru nhẹ nhàng, dẫn dắt độc giả theo từng chủ đề khá đặc biệt: Mùa - Mùi - Vị. Mùa có Mùa chanh, Mùa mít, Mùa cá kho tiêu… và cả những mùa khá trừu tượng như Mùa đến mùa đi, Mùa bình an và hy vọng, Chợ ngày rằm…. Mùi có những mùi đặc trưng của món ăn dân gian, nhưng cũng có những Mùi hạnh phúc, Cơn mưa chiều và bánh mì thịt nướng, Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro… ngập tràn cảm xúc cá nhân với những hoài niệm, nỗi nhớ quay quắt. Vị, thực chất là những cảm xúc ái, ố, hỉ, nộ của mỗi người trước những vấp váp trong cuộc sống, đó là Thương yêu, thù hận và tha thứ, Đừng nghĩ bôn ba, Mưu sinh ở thiên đường, Khi đàn chim trở về…. Tất cả đã cuốn hút người đọc trôi vào dòng cảm xúc miên man.
Đọc cả tập sách, dường như vẫn băn khoăn bởi đầu đề có vẻ dài dòng, đứt đoạn và chẳng ăn nhập gì? Những mẩu chuyện nhỏ, những ký ức riêng tư được nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền âm thầm viết ra từ năm 2006 đến năm 2010 và được chị gọi là tạp bút. Theo chị, “cái hay của tạp bút không phải bởi hư cấu mà gần như câu chuyện có thật được người viết thể hiện bằng những cảm xúc rất thật. Tôi đã viết tạp bút như vậy. Bạn có thể tìm thấy trong Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro những câu chuyện về các kỷ niệm, về sự trải nghiệm của cá nhân, nhưng cũng có khi là dòng hoài niệm của những người lứa tuổi như tôi”.
2. Một ngày đầu tháng 9, nhận được tin nhắn của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền: “Chị vừa ra tập sách, gửi tặng em”, tôi không khỏi bất ngờ vì chưa đầy tháng trước, chị mới cho xuất bản tập truyện vừa “Ngày hôm nay là một món quà”, được độc giả tuổi teen đón nhận. Dù đã biết và đọc một số tác phẩm của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền, nhưng tôi vẫn thấy khó nắm bắt lối hành văn của chị. Tác giả vẫn giữ vẻ nhẹ nhàng, dịu dàng trong tâm hồn của một phụ nữ viết văn. Tuy nhiên, mỗi tập sách, mỗi câu chuyện chị kể lại được diễn đạt với ngôn ngữ khác nhau. Chị từng chia sẻ về nghiệp văn của mình: “Tôi chỉ làm người quan sát cuộc sống và chép lại những câu chuyện với cảm xúc thật. Cuộc đời con người như một dòng sông, có lúc phẳng lặng, có lúc gập ghềnh. Trải nghiệm sẽ là chất liệu quý khiến cuộc sống mỗi ngày mỗi khác hơn”. Với tâm thế đó, từng ngày từng ngày, chị luôn tìm kiếm những dữ liệu cuộc sống để hiểu rõ mình hơn, hiểu rõ cuộc sống, từ đó thấy cuộc đời tươi sáng hơn. Vì thế, cũng có thể coi Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro giống như cuốn nhật ký lưu lại cảm xúc, hoài niệm của nhiều người. Ở đó, ta như thấy lại chính mình, được gặp lại kỷ niệm tuổi thơ, nhớ lại lời dặn dò của mẹ, ánh mắt hiền từ của cha... Tập sách xinh xắn với hơn 160 trang chứa đựng những hoài niệm chân thật, đưa người đọc về những ngày chưa xa.
GIANG ĐÌNH