11:09, 14/09/2012

Nhớ gánh hát bộ của tuổi thơ

Mỗi lần nghe tiếng trống, tiếng kèn hát bộ trong ngày cúng đình hàng năm (Đình Phước Hải, TP. Nha Trang), tôi lại bồi hồi nhớ lại những gánh hát bộ ở quê nhà, gánh hát bộ của tuổi thơ, và vẫn còn nghe đâu đây tiếng hò reo của đám khán giả nhí vọng về.

Mỗi lần nghe tiếng trống, tiếng kèn hát bộ trong ngày cúng đình hàng năm (Đình Phước Hải, TP. Nha Trang), tôi lại bồi hồi nhớ lại những gánh hát bộ ở quê nhà, gánh hát bộ của tuổi thơ, và vẫn còn nghe đâu đây tiếng hò reo của đám khán giả nhí vọng về.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, cạnh trường tiểu học làng tôi, người ta xây một nhà cộng đồng dùng để hội họp, chiếu bóng, hát cải lương và hát bộ. Bọn trẻ chúng tôi rất thích xem hát bộ vì đào, kép trang phục rất sặc sỡ, lại nhảy múa, đấu võ, đánh kiếm rất hấp dẫn. Mỗi lần có gánh hát bộ đến, nhà cộng đồng rộn ràng cờ xí, pa nô, áp phích, loa, đèn rực rỡ. Chúng tôi chạy theo chiếc xe rao hát khắp đầu làng cuối xóm với lòng phấn khích lạ thường. Đến giờ soát vé vào rạp, cả nhóm đứng trước cửa xin những người lớn nắm tay dẫn vào (vì người lớn được kèm trẻ em dưới 5 tuổi). Nhiều đứa lợi dụng chen lấn chui vào, số còn lại phải chờ đến giờ thả cửa mới vào xem được màn cuối…Vì vậy, khi nào có hát bộ là bọn trẻ chúng tôi bỏ ăn, mất ngủ cả tuần.

Mỗi lần xem xong một vở tuồng, hôm sau chúng tôi thường tụ tập tại nhà thằng Lực bày trò diễn lại cho những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn xem, dĩ nhiên chỉ diễn lại đoạn có múa đao, đánh kiếm cốt để khoe mẽ với bọn nhóc. Đối với đám khán giả này, chúng tôi tha hồ bịa đặt, miễn sao có đánh nhau là chúng vỗ tay, reo hò khâm phục… Sân khấu là mái hiên nhà, khán giả ngồi ngoài sân. Phông màn là mền, chiếu; còn hóa trang thì bằng giấy màu, lọ chảo, gạch nung giã nhỏ làm phấn, son môi là trái mùng tơi trộn với vôi ăn trầu, râu bằng lá chuối khô xé nhỏ, mũ mão thì dùng giấy bìa cùng giấy màu tự cắt dán…

 Một cảnh trong vở “Chung Vô Diệm” do diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thể hiện.
  Một cảnh trong vở “Chung Vô Diệm” do diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thể hiện.

Đêm trước chúng tôi xem vở tuồng có Quan Công, Tào Tháo, Trương Phi…, có múa đao, đánh kiếm, vậy là hôm sau, thằng Lực tuyên bố: “Chiều nay chúng mình diễn tuồng Quan Công đả Tào Tháo, có múa đao, đánh kiếm, có bay, có phun lửa…”. Cả bọn phân công ai đóng vai Trương Phi, ai làm Tào Tháo, ai vai Quan Công. Chiều hôm đó, bọn nhóc đứa cõng em, đứa dắt tay nhau đến hội tụ dưới gốc cây xoài trước sân nhà. Thấy lũ nhóc đến đã đông, thằng Lực nói to: “Thưa quý vị, đoàn chúng tôi hôm nay được hân hạnh ra mắt quý vị vở tuồng Quan Công đả Tào Tháo”. Nói xong nó vỗ tay bốp bốp, bọn nhóc cũng vỗ tay reo hò inh ỏi… Thằng Lực đứng một bên sân khấu hô to: “Màn một, cảnh một bắt đầu… Kéo màn!”. Hai đứa khác cầm hai đầu cái mền cuốn lại. Rồi tiếng kèn lá dừa, tiếng gõ xoong nồi, tiếng trống da ếch cùng tiếng hò reo đồng loạt vang lên từ hai bên cánh gà, tạo ra âm thanh rộn ràng. Quan Công bước ra, mặt vằn vệt trắng đen, đeo hàm râu lá chuối khô, tay cầm đại đao cán cuốc, múa may một hồi rồi vênh mặt xuống sân nói: “Như ta đây là Quan Vân Trường, nay vâng lệnh anh ta là Lưu Bị đến lấy đầu thằng giặc Tào Tháo. Ha ha ha…”. Tào Tháo từ bên kia cánh gà cầm dao bước ra chỉ tay vào mặt Quan Công hét lớn: “Cha mươi chả, cha mươi chả, cả gan thay, cả gan thay cho thằng Quan Công khoác lác. Hôm nay ta quyết cắt bộ râu của ngươi về làm chổi quét nhà cho bõ ghét hữ…hữ…”. Rồi hai bên xông vào đánh nhau. Những đứa trong vai lâu la cũng xông vào hét hò trợ chiến. Sau đó Trương Phi cầm chùy gáo dừa nhảy ra, bên kia Lã Bố xáp vào. Thằng Lực núp sau cánh cửa, mồm ngậm dầu hỏa phun vào que diêm đang cháy lửa bung lên rần rần. Tào Tháo sợ hãi chạy xuống sân, thằng Lực phun lửa theo, chẳng may lửa bắt vào mái hiên trước nhà bùng cháy, đám khán giả thấy vậy vỗ tay reo hò. Lửa lan ra rất nhanh, cả bọn hoảng hốt la lên: “Cháy nhà rồi… cháy nhà rồi!”. Khi cả xóm nghe tiếng la hét chạy đến chữa cháy, thì cả gánh hát cùng đám khán giả lặn biệt tăm. Sau đó, người lớn cũng tra ra được những đứa nào tham gia hát bộ. Rồi nhà nào, nhà nấy tự dạy con mình. Tôi cũng bị bà nội quất cho sưng cả mông.

Câu chuyện cách đây đã năm mươi năm, nhưng mỗi lần nghe tiếng trống, tiếng kèn hát bộ trong ngày cúng đình hàng năm (Đình Phước Hải, TP. Nha Trang), tôi lại bồi hồi nhớ lại những gánh hát bộ ở quê nhà, nhớ lại gánh hát bộ của tuổi thơ, và vẫn còn nghe đâu đây tiếng hò reo của đám khán giả nhóc ngày xưa.

MỸ BÌNH