08:09, 07/09/2012

Người đi tìm hồn Raglai

Tuy đã nghỉ hưu về sống ở quê (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhưng cứ một vài tháng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ lại lặn lội đến các huyện vùng cao để làm công tác ghi âm, sưu tầm tư liệu và tìm hiểu các giá trị văn hóa của đồng bào Raglai.

Tuy đã nghỉ hưu về sống ở quê (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhưng cứ một vài tháng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ lại lặn lội đến các huyện vùng cao để làm công tác ghi âm, sưu tầm tư liệu và tìm hiểu các giá trị văn hóa của đồng bào Raglai. Hơn 25 năm nay, ông vẫn miệt mài gắn bó với công việc mà ông thường nói “đi tìm hồn Raglai”.

Tâm huyết của một cựu Phó Chủ tịch huyện

Hơn chục năm gắn bó với huyện miền núi Khánh Sơn (1986 - 2003) với cương vị là Phó Chủ tịch huyện, ông Trần Vũ đã có dịp gần gũi và biết về những nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai. Những câu đồng dao, làn điệu hát ru con, ru em, những đêm dài ngồi nghe kể sử thi đã cuốn hút và khơi gợi cho ông ý tưởng tìm hiểu về nét văn hóa bản địa. Ông kể: “Các nghi lễ của tộc người Raglai rất phong phú, đa dạng. Luật tục Raglai là một sản phẩm truyền khẩu bằng văn vần rất đặc sắc, đề cập đến nhiều vấn đề trong sản xuất, sinh hoạt đời thường, trong ứng xử với con người, quy định về tín ngưỡng đối với thần linh. Những điều đó khiến tôi tò mò và muốn tìm hiểu sâu hơn”. Mỗi ngày, hết giờ làm việc, ông Phó Chủ tịch lại một mình rong ruổi trên khắp các con đường đồi núi gồ ghề để đến với đồng bào Raglai. Ông thường mang theo chai rượu, vài quả trứng gà, mấy con cá khô từ quê nhà gửi lên để ngồi lai rai cùng những người già trong làng và nghe họ kể sử thi, hát đồng dao.

1
Ông Trần Vũ (phải) trong một chuyến đi điền dã để ghi lại những lời hát ru của người Raglai

Từ những năm tháng gắn bó đó, ông nhận thấy những giá trị văn hóa bản địa có nguy cơ bị mai một do người Raglai chỉ truyền khẩu mà không có chữ viết. Chữ viết sẽ là công cụ quan trọng để lưu giữ cái hồn của văn hóa Raglai. Vì vậy, năm 1994, ông cùng với nghệ nhân Mấu Quốc Tiến (người Raglai) thực hiện đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu và hoàn thiện chữ viết tiếng Raglai”. Với những tư liệu, thông tin thu thập được trong các chuyến đi điền dã, ông biên soạn thành một cuốn từ vựng tiếng Raglai - Việt với 5.500 từ và sách giáo khoa dạy thử nghiệm chữ viết Raglai cho 42 học sinh người dân tộc. Không dừng lại ở đó, những năm sau này, ông còn ứng dụng chữ viết Raglai để biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc đào tạo nhiều đối tượng như: nội dung dành cho giáo viên dạy tiếng Raglai, sách giáo khoa “Bài học Tiếng Raglai” cho giao tiếp, cho cán bộ ngành Y tế... Những tài liệu này đến nay vẫn được sử dụng trong công tác giảng dạy tiếng Raglai ở huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

“Nhiệm vụ quan trọng của đời mình”

1
Những tài liệu chữ viết tiếng Raglai được ông Trần Vũ biên soạn.

Những kết quả mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của người Raglai. Ông chia sẻ: “Tâm nguyện của tôi cũng như các thành viên trong nhóm nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Raglai Khánh Hòa là làm sao ghi chép, văn bản hóa và giới thiệu văn hóa tộc người Raglai sâu rộng. Vì thế, chúng tôi miệt mài, âm thầm “tìm hồn Raglai”, coi đó như là một nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời mình. Tuy nhiên, những điều chúng tôi làm được còn rất nhỏ bé so với nền văn hóa vô cùng đặc sắc của tộc người Raglai”. Có lẽ vì nhiệm vụ quan trọng đó nên dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Trần Vũ vẫn dành thời gian, công sức cho những công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai. Hiện nay, ông đang hoàn thiện và chuẩn bị cho in cuốn “Địa danh Khánh Sơn xưa và nay” và tác phẩm “Akhàt Jucar: Che Tili” (truyện kể bằng văn vần qua làn điệu hát kể của người Raglai). Bên cạnh đó, ông còn biên soạn từ điển Raglai - Việt (khoảng 10.000 từ), ghi âm và văn bản hóa các Akhàt Jucar, phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh thực hiện đề tài tổng hợp về văn hóa Raglai Khánh Hòa.

Là người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Raglai, ông luôn trăn trở về công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa. Theo ông, việc giữ gìn vốn quý đó không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nghiên cứu văn hóa mà còn thuộc về ý thức của chính những người dân Raglai.

MAI HOÀNG