Sau 10 năm thành lập, bên cạnh việc biểu diễn phục vụ nhân dân, những hoạt động khác của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vẫn còn dang dở, chưa đạt như mong đợi.
Sau 10 năm thành lập, bên cạnh việc biểu diễn phục vụ nhân dân, những hoạt động khác của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa vẫn còn dang dở, chưa đạt như mong đợi.
Nhiều nhiệm vụ còn dang dở
Nhà hát NTTT tỉnh được thành lập với 5 nhiệm vụ chính gồm: biểu diễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo tồn nghệ thuật sân khấu tuồng và kịch hát bài chòi; nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, thử nghiệm NTTT; tổng hợp, khai thác các giá trị nghệ thuật; tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc trưng NTTT; khai thác các đề tài truyền thống và dân gian. Tuy nhiên, sau 10 năm thành lập, hoạt động nổi bật nhất của Nhà hát vẫn chỉ là biểu diễn; còn các nhiệm vụ khác chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng chưa mang lại kết quả. Lý giải cho điều này, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết: “Sở dĩ Nhà hát mới chỉ thực hiện được chức năng biểu diễn là vì hoạt động này đã có nền tảng từ các đoàn nghệ thuật trước khi được sáp nhập; còn các chức năng khác của Nhà hát chưa thực hiện được như mong muốn là do sự yếu kém của Phòng Nghệ thuật Nhà hát. Tuy Phòng Nghệ thuật đã được thành lập và có biên chế hẳn hoi, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, bởi yêu cầu trình độ nhân sự cho phòng này quá cao, rất ít người có thể đáp ứng được”. Theo quy định, biên chế cho Phòng Nghệ thuật có 6 người, nhưng hiện tại mới chỉ có 4. Trong đó, vị trí Trưởng phòng do chính Giám đốc Nhà hát kiêm nhiệm. Để những chức năng còn lại của Nhà hát được thực hiện một cách hiệu quả, yêu cầu nhân sự của Phòng Nghệ thuật phải là những người có trình độ cao trên các lĩnh vực lý luận, sáng tác, chỉ huy nghệ thuật. Ngoài ra, đó còn phải là người có sự am tường, niềm đam mê với NTTT. Thế nhưng, để tìm được một người có tư duy tổng hợp và có tâm với nghề quả là điều không dễ. Chính vì vậy, các vị trí đã được tuyển dụng cũng chỉ dừng lại ở mức hoàn thành công việc cụ thể được giao như: biên tập kịch bản, dịch Hán Nôm.
Sau 10 năm thành lập, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh mới chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ biểu diễn |
Chính từ sự yếu kém này mà nhiều người trong nghề tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực sự của Nhà hát. Có rất nhiều vở diễn hay của Nhà hát được dàn dựng để tham gia các hội thi, hội diễn khu vực, toàn quốc đạt được những giải thưởng cao, làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ. Tuy nhiên, tuổi thọ của những vở diễn ấy cũng khoảng một năm rồi rơi vào quên lãng. Bởi đơn giản, Nhà hát không có biện pháp lưu giữ, phát huy các vở diễn...
Có nên chia tách?
Sau 10 năm thành lập, nhiệm vụ của Nhà hát NTTT thực hiện được chỉ tương đương với nhiệm vụ của một đoàn nghệ thuật. Dư luận cho rằng, nên tách Nhà hát ra thành hai đoàn nghệ thuật: Đoàn tuồng và Đoàn dân ca kịch như cũ. Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức cho rằng: “Cách đây hơn 20 năm, tôi đã làm lãnh đạo đoàn dân ca kịch. Khi đó, chỉ tiêu biểu diễn của đoàn 1 năm phải được 120 đêm diễn, so với bây giờ là nhiều gấp đôi. Điều đó đồng nghĩa với việc công chúng được thưởng thức NTTT nhiều hơn. Việc thành lập Nhà hát là để thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác mà ở tầm của một đoàn nghệ thuật không có, thế nhưng hiện nay, Nhà hát chỉ làm được mỗi chức năng biểu diễn, vì vậy nên tách ra để công chúng có dịp tiếp cận nhiều hơn với NTTT”. Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết: “Nếu tách Nhà hát thành hai đoàn nghệ thuật sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng biểu diễn, đồng thời tinh giảm được bộ máy hành chính”.
Vậy, việc tách Nhà hát NTTT làm hai đoàn nghệ thuật liệu có lợi? Theo ông Vũ Tiến Thêm: “Hiện tại, kinh phí cấp cho Nhà hát là cấp cho một đơn vị nghệ thuật. Chính vì vậy, tất cả mọi thứ từ kinh phí biểu diễn, dàn dựng vở, phương tiện (âm thanh, ánh sáng, xe...) đều phải chung nhau. Do đó, Nhà hát gặp những khó khăn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ biểu diễn. Nếu tách ra, đương nhiên mỗi đoàn sẽ có con dấu riêng, tài khoản riêng và nguồn kinh phí riêng... nhưng sẽ làm phân tán công tác chỉ đạo đối với NTTT”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vấn đề chia tách hay không hoàn toàn không đơn giản. Bởi tách ra hay giữ nguyên thì các đoàn cũng đều phải dựa vào kinh phí Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài ra, để có thêm nguồn thu, các đoàn có thể đi biểu diễn bên ngoài. Trên thực tế, nhiều năm nay, chỉ tiêu nguồn thu với đoàn tuồng luôn đạt hoặc vượt, nhưng đoàn dân ca lại gặp khó khăn. Chính vì thế, không ít người lo ngại, nếu tách ra thành hai đoàn nghệ thuật thì đoàn dân ca sẽ nhanh chóng bị giải thể. Mối lo này là mấu chốt của việc tiếp tục duy trì Nhà hát NTTT tỉnh.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao cho hoạt động của Nhà hát NTTT tỉnh thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Muốn vậy, những đơn vị liên quan cần có giải pháp đồng bộ, đầu tư mạnh mẽ, đúng mục đích mới mong phát huy được hết giá trị của NTTT vào đời sống hiện tại và tương lai.
NHÂN TÂM
Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Những năm tới, Nhà hát cần tập trung vào một số điểm trọng tâm như: quan tâm nhiều hơn công tác đào tạo; đưa NTTT vào phục vụ các lễ hội dân gian, đến với du khách. Mặt khác, phát huy vai trò của các nghệ nhân đang lưu giữ những giá trị nghệ thuật tuồng, bài chòi cổ để làm nòng cốt cho phong trào NTTT của địa phương, bổ sung nhân lực cho Nhà hát; phát huy thế mạnh sẵn có để tạo thêm nguồn lực đưa hoạt động của Nhà hát tiếp tục phát triển.