11:09, 21/09/2012

Đưa điện ảnh Đức đương đại đến gần khán giả

Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, ông Paul Weinig - Viện trưởng Viện Goethe tại TP. Hồ Chí Minh (cơ quan văn hóa chính thức của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam) cho biết: “Liên hoan phim (LHP) Đức là dịp để chúng tôi giới thiệu và đưa nền điện ảnh Đức đương đại đến gần khán giả Nha Trang hơn”.

Ông Paul Weinig.
Ông Paul Weinig.

Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, ông Paul Weinig - Viện trưởng Viện Goethe tại TP. Hồ Chí Minh (cơ quan văn hóa chính thức của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam) cho biết: “Liên hoan phim (LHP) Đức là dịp để chúng tôi giới thiệu và đưa nền điện ảnh Đức đương đại đến gần khán giả Nha Trang hơn”.

Theo ông Paul Weinig, đây là lần thứ 3 Viện Goethe tổ chức LHP Đức tại Việt Nam. Sau những thành công của LHP các năm 2010 và 2011 với gần 30.000 khán giả, LHP Đức năm 2012 (từ ngày 6-9 đến 4-10) tiếp tục giới thiệu những bộ phim mới và thành công nhất của điện ảnh Đức đến khán giả Việt Nam. Ngoài 5 thành phố lớn mà chúng tôi đã từng tổ chức LHP là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế và TP. Hồ Chí Minh, năm nay, lần đầu tiên LHP Đức được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang (khai mạc vào tối 20-9).

LHP lần này sẽ công chiếu 9 bộ phim của nền điện ảnh Đức đương đại. Những bộ phim được công chiếu có nội dung rất đa dạng, phản ánh sinh động cuộc sống, suy nghĩ và tình cảm của người dân Đức. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim còn đề cập đến những số phận, khía cạnh khác nhau trong cuộc sống người dân Đức; mối quan hệ của người Đức bản địa với người nước ngoài sinh sống và làm ăn tại Đức như các bộ phim: Trăng khuyết, Người dưng, Lời hứa trăng sao, Giấc mơ vĩ đại... Trong 9 bộ phim được công chiếu, chúng tôi dành 2 bộ phim Cô bé mùa Đông và Cá sấu ngoại ô 3 cho đối tượng thiếu nhi. Với diễn xuất hồn nhiên, tinh nghịch của các diễn viên nhí khá nổi tiếng của Đức, 2 bộ phim này sẽ mang đến cho khán giả những cái nhìn mới mẻ về suy nghĩ, hành động trong cuộc sống của thiếu nhi nước Đức.      

Phần lớn những bộ phim được chiếu trong LHP lần này là của các đạo diễn, nhà làm phim trẻ như: Feo Aladag, Christian Zuebert, Johannes Schmid... Họ đã nhận được một số giải thưởng cao tại các kỳ LHP Berlin và tại các nước châu Âu.

- Ông nhận xét thế nào về phim Việt Nam được sản xuất trong thời gian gần đây?

- Do hạn chế về ngôn ngữ nên tôi chưa có dịp xem nhiều bộ phim Việt Nam, nhưng tôi thấy 5 năm gần đây, điện ảnh Việt Nam có nhiều thay đổi. Những bộ phim mà tôi được xem gần đây có nội dung phản ánh rất sinh động, đa dạng về cuộc sống của nhiều thành phần người dân Việt Nam. Đặc biệt, tôi rất thích một vài bộ phim về đề tài thanh niên Việt Nam trong cuộc sống hiện đại. Nó đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của thanh niên Việt Nam hiện nay như: luôn yêu đời, sống có lý tưởng, vượt qua khó khăn để thành công; đồng thời cũng có những bộ phim phản ánh lối sống và suy nghĩ sai lầm, nông nổi.

Panô giới thiệu về Liên hoan phim Đức lần thứ 3 tại Việt Nam.
Panô giới thiệu về Liên hoan phim Đức lần thứ 3 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi, một số nhà làm phim trẻ của Việt Nam đang làm phim chạy theo lợi nhuận. Họ mong muốn phim nhanh được phát sóng, công chiếu để thu tiền mà chưa quan tâm tới yếu tố nghệ thuật và sự đón nhận của công chúng. Vì vậy, vừa qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều lời nhận xét “phim nhảm, phim siêu nhảm” có lẽ xuất phát từ đó. Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân khách quan đó là các nhà làm phim trẻ của Việt Nam chưa được hỗ trợ kinh phí nên họ phải tìm mọi cách để nhanh thu tiền từ sản xuất phim. Ở Đức, chúng tôi có quỹ khuyến khích và hỗ trợ các nhà làm phim trẻ để họ phát triển ý tưởng và sản xuất những bộ phim tốt.

- Viện Goethe đã và đang có những hợp tác như thế nào với Cục Điện ảnh Việt Nam để giao lưu và góp phần phát triển nền điện ảnh của 2 quốc gia, thưa ông?

- Viện Goethe đã hoạt động ở Việt Nam được 10 năm. Trong thời gian đó, chúng tôi đã hợp tác với Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức các kỳ LHP Đức tại Việt Nam, phối hợp sản xuất phim tài liệu để giới thiệu rộng rãi đời sống của người dân Đức đến khán giả Việt Nam và ngược lại. Chúng tôi cũng có những hoạt động hỗ trợ về vật chất cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam sang Đức để tìm hiểu về nền điện ảnh Đức. Đồng thời, chúng tôi luôn tạo điều kiện để những nhà làm phim Việt Nam tham dự các LHP ở Đức nhằm mở rộng kiến thức về điện ảnh. Cuối năm 2012, chúng tôi sẽ hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức sản xuất phim về đề tài dân tộc học để người dân hiểu biết nhiều về bản sắc dân tộc của 2 nước Đức - Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

HOÀNG DUNG