08:09, 12/09/2012

Sẽ được thực hiện từng bước

Lâu nay, tuy hoạt động bảo tồn, phát triển Văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được triển khai nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa thực sự gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Lâu nay, tuy hoạt động bảo tồn, phát triển Văn hóa (VH) các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa thực sự gắn với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống.

Bảo tồn một chiều

Ở Khánh Hòa, hoạt động bảo tồn, phát huy VH các DTTS đã được triển khai từ nhiều năm nay. Tên tuổi của các nhà sưu tầm, nghiên cứu VH DTTS như: Trần Vũ, Trần Kiêm Hoàng, Nguyễn Thế Sang, Mấu Quốc Tiến... cùng những tác phẩm đã được công bố đều đề cập đến VH các DTTS trên địa bàn tỉnh (Khánh Hòa - diện mạo một vùng đất, Sử thi Akhàt Jucar Raglai, Từ vựng Raglai - Việt...). Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn mới dừng ở việc nghiên cứu, sưu tầm từ tâm huyết, sở thích của các tác giả. Những nhà sưu tầm, nghiên cứu tự tìm đến các nghệ nhân, già làng để tìm hiểu giá trị VH truyền thống của từng dân tộc và ghi chép lại. Qua đó, góp phần lưu giữ phần nào vốn VH dân gian của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Tuy là hoạt động tích cực nhưng bảo tồn theo cách này chưa giải quyết căn cơ vấn đề, bởi còn mang nặng tính tự phát. Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến từng chia sẻ: “Đồng bào các DTTS có vốn VH truyền thống quý giá, nhưng theo thời gian đã mai một dần. Trong khi đó, lực lượng người đi sưu tầm, nghiên cứu VH DTTS lại quá mỏng và không phải lúc nào cũng thực hiện được bởi còn phụ thuộc vào công việc, thời gian, tiền bạc. Nhiều công trình, sau khi được thu âm, ghi hình, in sách, cũng chỉ để đó, khó lưu truyền trở lại trong đời sống của chính đồng bào vì thiếu chính sách đồng bộ”. Việc bảo tồn VH các DTTS nhỏ lẻ, tự phát, mang tính một chiều, chưa gắn kết giữa bảo tồn VH với phát triển KT-XH đã khiến các loại hình VH này ngày càng mai một, lai tạp.

 Bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc thiểu số là một trong những việc cần làm.

 Bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc thiểu số là một trong những việc cần làm.

Sẽ triển khai đồng bộ

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Bảo tồn, phát triển VH các DTTS Việt Nam đến năm 2020”. Đề án dự kiến triển khai ở 37 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố có đồng bào DTTS sinh sống. Theo ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở VH - Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban thường trực đề án, đề án nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội vào phát triển VH các DTTS, để VH thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Nhấn mạnh yếu tố chủ thể của người dân địa phương trong việc bảo tồn, phát triển VH các DTTS, đề án đã đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế, chú trọng các địa bàn DTTS có nguy cơ bị biến dạng VH cao. Từ đó, góp phần tôn vinh giá trị VH truyền thống của đồng bào các DTTS, khích lệ sáng tạo những giá trị VH mới, góp phần giảm chênh lệch trong hưởng thụ VH giữa các vùng, các dân tộc. Giai đoạn 2012 - 2015, phấn đấu cơ bản đưa các DTTS ra khỏi tình trạng VH có nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp, bước đầu phát huy di sản VH tiêu biểu của các DTTS; có từ 50 - 60% thôn, làng đồng bào DTTS có nhà VH; 50 - 60% cán bộ làm công tác VH ở vùng đồng bào DTTS là người dân tộc đó; mỗi huyện, thị xã, thành phố có đồng bào DTTS sinh sống được hỗ trợ phát triển một nghề truyền thống, xây dựng mô hình làng VH - du lịch đặc trưng để góp phần phát triển KT-XH... Giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh khai thác, bảo tồn các giá trị VH đặc trưng, phát huy vai trò di sản VH trong xây dựng và phát triển VH các DTTS; tỷ lệ làng có nhà VH đạt từ 70 - 85%; cán bộ VH là người DTTS đạt từ 70 - 90%; các ngành nghề truyền thống, hoạt động du lịch được đẩy mạnh thêm một bước. Việc bảo tồn khẩn cấp, phát huy giá trị VH các DTTS được cơ bản hoàn thành. Để đạt được mục tiêu, đề án còn đưa ra những dự án cụ thể để các cơ quan, ban, ngành, địa phương căn cứ vào đó mà triển khai.

Quá trình cộng cư, hòa cư của 33 DTTS trong tổng số 34 dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo cho diện mạo VH xứ Trầm Hương sự phong phú cả về số lượng và hình thức biểu đạt; rất cần được bảo tồn, phát huy. Cùng với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hy vọng, vốn VH truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo tồn, phát huy đúng giá trị.

NHÂN TÂM