10:09, 06/09/2012

Lưu giữ một phần vốn văn hóa dân gian

Là 1 trong 1.000 công trình được chọn xuất bản trong giai đoạn đầu Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện, ....

Là 1 trong 1.000 công trình được chọn xuất bản trong giai đoạn đầu Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện, tập sách “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban chứa đựng những thông tin, tư liệu có giá trị về cách sử dụng ngôn ngữ để khắc họa chân dung con người của người xưa.

Đọc tập sách Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, tôi như lạc vào một kho tư liệu ngôn ngữ tài tình của cha ông trong việc miêu tả cái răng, cái tóc, đôi mắt, cái miệng... để định dạng và định tính cho chân dung những con người cụ thể.

Công phu sưu tầm

 Tập sách “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam”.

 Tập sách “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam”.

Để thực hiện công trình này, ròng rã nhiều năm trời, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban đã tìm tòi, chọn lọc từ hơn 80 tài liệu tham khảo, trong đó có 23 cuốn từ điển các loại. Ngoài ra, ông còn gặp gỡ nhiều bậc cao niên có vốn hiểu biết rộng về ca dao, tục ngữ để ghi lại những câu, từ chỉ về diện mạo con người. Giải thích về tiêu đề tập sách, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban cho biết: “Chân dung con người được thể hiện trong tập sách này là một số bộ phận cụ thể của con người. Còn cái nhìn Việt Nam chính là cái nhìn dân gian về chân dung con người được thể hiện qua ngôn từ, qua những câu ca dao, tục ngữ, câu đố... Đó là cái nhìn tinh tế, ẩn chứa những ý tứ ngợi khen, phê phán và không kém phần dí dỏm. Từ đó cho thấy trí tuệ và tâm hồn tuyệt vời của con người Việt Nam”.

Với 11 chủ đề khác nhau về chân dung con người như: mặt, mắt, mũi, má, tai, râu, tóc, miệng, môi, răng, lưỡi..., tác giả đã chỉ rõ từng khía cạnh ngôn ngữ biểu hiện qua hình dáng, màu sắc, cách đặt tên, sự so sánh, ví von... Cùng với hàng trăm từ biểu đạt từng bộ phận phác họa nên chân dung con người là hàng ngàn thành ngữ, tục ngữ, ca dao đi kèm, cho thấy cách sử dụng ngôn ngữ tài tình của cha ông xưa. Chẳng hạn, để mô tả khuôn mặt đẹp, có thể dùng: mặt hoa, mặt liễu, mặt ngọc, mặt trái xoan...; chỉ màu sắc khuôn mặt thì có mặt chì, mặt đen, mặt lang, mặt đỏ, mặt tái...; chỉ hình dáng khuôn mặt có mặt bạnh, mặt chữ điền, mặt dày, mặt nạc... Ca dao, tục ngữ thì có những câu như: “Xin cho sum họp mặt mày/Dẫu cho tiền tháng, bạc ngày cũng lo”, “Em ơi ngoảnh mặt lại đây/Anh nhìn thấy mặt cho khuây tấm lòng”...

Kho tư liệu về văn hóa dân gian

Là tập sách chủ yếu sưu tầm ngôn ngữ nên Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam như một kho tư liệu thông tin giá trị dành cho các độc giả là những nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Với các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, đây cũng là nguồn tài liệu với vô vàn dẫn chứng để có thể đưa vào các công trình, bài giảng, bài viết, bài học của mình. Với những độc giả bình thường, tập sách cũng giúp trang bị thêm vốn từ cần thiết để việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp được chuẩn mực hơn. Với ý thức đa dạng hóa thông tin, đồng thời cũng là để làm “mềm” các yếu tố mang tính học thuật, tác giả Ngô Văn Ban còn đưa vào sách khá nhiều phụ lục thú vị. Ví dụ như: lối vẽ mặt, mang râu trong nghệ thuật hát bội; chuyện người ngoáy tai thời Pháp; lịch sử mái tóc người Việt; tục nhuộm răng của người Việt xưa; tục cà răng căng tai của đồng bào Tây Nguyên; tiếng cười Việt Nam...

Việc ra đời tập sách Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam không chỉ góp phần tổng hợp, lưu giữ một phần vốn văn hóa dân gian, mà còn là cẩm nang cần thiết đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa xã hội.

NHÂN TÂM