08:09, 12/09/2012

Bước phiêu bồng

Tôi học tập trung lắm, tập trung tới mức căng thẳng. Nhiều bài, tôi học đi học lại nhiều lần, như một cậu học trò dốt bị lưu ban. Và rồi, không gian sàn khiêu vũ đã gợi nhiều cảm hứng, cho tôi tự tin với những bước “phăng” bay bổng theo cảm xúc…

Tôi học tập trung lắm, tập trung tới mức căng thẳng. Nhiều bài, tôi học đi học lại nhiều lần, như một cậu học trò dốt bị lưu ban. Và rồi, không gian sàn khiêu vũ đã gợi nhiều cảm hứng, cho tôi tự tin với những bước “phăng” bay bổng theo cảm xúc…

“Một, hai, ba... Hai, hai, ba…”

Tập thể dục chăng? Không! Ấy là âm thanh tôi nghe được khi bước chân vào phòng tập khiêu vũ của Câu lạc bộ Sao Biển, Nha Trang. Tôi vào lớp cơ bản, dành cho người… chưa biết gì. Nhập môn, chân tôi chập chững những bước cơ bản theo nhịp đếm còn mắt cứ dán vào những anh chị học ở lớp trên. Những bước đi uyển chuyển. Và những vũ hình đầy quyến rũ. Biết bao giờ mình mới được như vậy? Câu hỏi ấy cứ nung đốt, cứ thôi thúc tôi. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng luyện tập căng thẳng mà người tôi vẫn cứ như khúc củi, tay chân lóng nga lóng ngóng, trong khi hai mũi bàn chân, cơ chân, cơ hông… đau nhừ. “Các anh chị ấy đã học được bao lâu rồi?”, tôi hỏi thầy. “Có người đã hơn ba năm”, thầy trả lời.

Thời gian trôi nhanh. Tôi tự tin hơn. Những bước chân, những vòng tay đã bớt rụt rè, vụng dại. Chợt nhìn lại, lứa anh chị em nhập học cùng tôi có tới trên chục người, giờ còn lại chỉ mỗi mình tôi. “Thấy người ta khiêu vũ thích quá, tưởng dễ, ai dè học khó quá!”, họ lý giải nguyên nhân bỏ học. Tôi học tập trung lắm, tập trung tới mức căng thẳng. Thầy nói không nên như vậy, học khiêu vũ là để thư giãn, cứ phải bình tĩnh, kiên trì. Thầy động viên: “Cùng một cuốn sách, lúc bé đọc anh có cảm nhận khác, lớn lên đọc lại anh sẽ có cảm nhận khác”. Quả vậy, cứ mỗi lần học lại bài, tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn, có nhiều cảm xúc hơn về những vũ chương đang tập.

Giờ tập ở Câu lạc bộ Sao Biển.
Giờ tập ở Câu lạc bộ Sao Biển.

Mặc dù đã nắm khá chắc tất cả các điệu nhạc, tôi vẫn phải rất vất vả để có những bước đi đúng… nhạc. Khiêu vũ tối kỵ bước sai nhạc. Ngoài ra, tôi phải học vô số điều, từ cách tạo dáng cho đến cách chuyển động cơ thể, đôi tay sao cho nhuần nhuyễn để dẫn dắt người bạn nhảy nhẹ nhàng và ý nhị. Nhiều khi, lo tập trung cho đôi tay thì chân đi… sai nhạc; hoặc khi chú ý đi cho đúng nhạc thì lại quên mất trong vòng tay mình còn có cả một bông hoa nồng nàn hương sắc. Trong khiêu vũ, học bước nào là khó, nam hay nữ? Bước nào cũng khó. Người nam trước hết phải thuộc, phải nhớ bước của mình; phải nghe và đi cho đúng nhạc và đặc biệt là phải có khả năng dẫn dắt để người bạn nhảy hiểu được và đi theo đúng hướng, đúng ý định của mình. Phải nói rằng, phụ nữ có khả năng thiên phú đặc biệt là sự cảm nhận tinh tế và nhạy bén tuyệt vời. Chỉ một biểu hiện rất nhỏ của tay, của cơ thể người nam, người bạn nữ đã có những bước chuyển như ý, làm nên sự hòa hợp, hai cá thể nhưng quyện nhau như một. Chỉ đến lúc này tôi mới hiểu được vì sao hai người xa lạ, gặp nhau lần đầu mà vẫn có những bước nhảy gắn kết. Thầy tôi bảo rằng học khiêu vũ không phải chỉ có học bước nhảy mà chính là học cách nhảy.

Vậy đã hơn một năm học. Nhiều người bạn rủ tôi đến sàn khiêu vũ cho biết. Thoạt đầu thấy ngại, song cũng liều. Không gian quá khác lạ so với phòng tập quen thuộc của tôi. Xung quanh mình lại toàn những đôi nhảy lão luyện. Vậy là, tôi đã đi nhiều bước lập bập, không… đúng nhạc, và nhiều khi xoay trở bối rối do không xác định được… phương hướng! Người bạn gái cũng lúng túng theo tôi. Bài nhảy thành ra dang dở. Nhìn tôi, nàng cười thẹn thùng, mà độ lượng: “Không sao! Riết rồi cũng quen!”. Tôi lại cố. Rồi chính không gian sàn khiêu vũ đã tạo nhiều cảm hứng, nên giờ bước ra, tôi tự tin hẳn và mạnh dạn có những bước “phăng” bay bổng theo cảm xúc.

Trong khiêu vũ, người ta có thể mở nhạc “tour” hoặc chơi nhạc sống. Song, dù hình thức nào, trình tự vẫn theo nguyên tắc xen kẽ một bản nhanh một bản chậm, thứ tự thông thường là Pasodoble, Rumba, Chachacha, Boston, Bebop/ Roc and Roll, Tango, Samba, Slow/SlowRock… Mỗi điệu nhảy có một đặc trưng, một sắc thái riêng. Valse nhẹ lướt như thuyền trên mặt hồ. Tango lạnh lùng, đôi lúc khổ đau. Pasodoble hùng dũng và quyết đoán. Chachacha sôi nổi và nghịch ngợm. Rumba như một câu chuyện tình, có đắm đuối, có hờn dỗi. Jive bồng bột mà lại đam mê… Nói vậy nhưng đặc trưng của mỗi điệu nhảy không phải lúc nào cũng được thể hiện như nhau mà luôn biến hóa, xuất phát từ cảm hứng nghệ thuật, và chính nó tạo nên nét lịch lãm, dấu ấn riêng của từng đôi nhảy trong khiêu vũ.

Ở Nha Trang, buổi sáng bạn đã có thể đi khiêu vũ, suất từ 8 giờ rưỡi, với UFO trên đường Võ Trứ. Buổi chiều, từ 4 giờ rưỡi đến 6 giờ rưỡi, những người thích tập khiêu vũ có thể đến những địa chỉ như số 6 Mê Linh, số 8 Tô Hiến Thành… Chưa tới 10 nghìn tiền vé vào cửa, bạn đã có một không gian tập tành cả hai tiếng đồng hồ. Và nếu tập hết mình trong suốt thời gian đó, bạn sẽ biết được khiêu vũ cần tới sự dẻo dai của sức khỏe như thế nào. Những nơi này, tôi đã gặp nhiều cụ già, tuổi đã có đến trên bảy mươi mà vẫn khỏe khoắn, đôi chân vẫn lả lướt xoay Valse với những dáng nét thanh xuân xưa cũ còn sót lại. Các cụ bảo: “Đi khiêu vũ vừa vui, hào hứng lại vừa khỏe nữa!”.

Sàn khiêu vũ ở Nha Trang phần lớn có diện tích không lớn, hoạt động từ 20 giờ 30 đến khoảng 22 giờ 30. Trước đây, không chỉ ở trung tâm Nha Trang mà ở phía Bắc và phía Nam thành phố đều có. Nay, ở phía Bắc, các điểm Chợt Nhớ, Hoa Sứ không hoạt động nữa. Còn ở khu vực Cầu Đá trước đây có Phố Cảng, giờ cũng thôi. Cho nên khách tập trung hết về Nha Trang.

Ở trung tâm Nha Trang, buổi tối có Câu lạc bộ Sao Biển, cafe Nhớ trên đường Huỳnh Thúc Kháng; Venus trên đường Trần Văn Ơn; Phố Biển, Luxury trên đường Trần Phú, Champa ở Hải Đảo. Rời Nha Trang, dọc theo đường 23-10 lên phía Diên Khánh, khách có thể ghé những điểm như Thủy Trúc, Luân Vũ, Dạ Khúc, Điểm Hẹn… Ở những nơi này, khách đến có thể ngồi nhâm nhi cà phê, thưởng lãm những vẻ đẹp muôn màu của khiêu vũ hoặc cao hứng bước ra sàn với những vũ điệu yêu thích.

Hiện nay, điều thiếu nhất ở Nha Trang là một sàn nhảy đạt yêu cầu. Đầu tư cho sàn nhảy rất công phu. Diện tích sàn phải lớn; mặt sàn phải bảo đảm độ nhẵn, độ bóng, muốn đúng tiêu chuẩn phải làm bằng gỗ tốt. Ánh sáng, âm thanh phải được bài trí thật sự thích hợp để tạo một không gian diễm lệ, nên thơ. Chị Minh Nguyệt, Câu lạc bộ Venus trên đường Trần Văn Ơn cho biết, để có được không gian Venus trữ tình như vậy đã phải chuẩn bị thiết kế rất kỹ lưỡng và đầu tư rất nhiều tiền. Có điều oái oăm là đầu tư lớn như vậy nhưng do tính chất đặc thù của sinh hoạt nghệ thuật, thu nhập từ các sàn lại không lớn, lợi nhuận không cao. Cho nên, chỉ có những người thật sự có “máu” khiêu vũ mới dám làm.

Có sân chơi, có nơi dạy bài bản, chuyên nghiệp là nguyện vọng chung của giới khiêu vũ cũng như những người đang muốn học khiêu vũ ở Nha Trang. Do đó, ngành văn hóa cần nghiên cứu, tính đến việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư giảng dạy cũng như tổ chức giao lưu, các giải thi đấu nhằm không chỉ phát triển bề rộng mà đưa phong trào khiêu vũ của tỉnh từng bước đi vào chiều sâu.

Hiện ở Nha Trang có nhiều nơi dạy khiêu vũ. Song, khi tư vấn cho bạn bè có nhu cầu học, tôi vẫn giới thiệu đến Câu lạc bộ Sao Biển, trực thuộc Trung tâm Văn hóa - xã hội Thanh niên trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Bởi ở đây có đầy đủ lớp cho mọi trình độ, từ chỗ chưa có khái niệm gì về khiêu vũ cho đến nâng cao, có thể tham gia các hội thi lớn trong nước. Và có điều đáng quý là bên cạnh việc học bước, kỹ thuật, học viên còn được trang bị nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa trong khiêu vũ, chẳng hạn như cách chào mời, đưa đón bạn cũng như cách ứng xử với mọi người xung quanh khi khiêu vũ, đặc biệt ở những chỗ đông người…

Bây giờ, khi nhạc trỗi lên, cùng bạn bước ra sàn, trong tôi không còn nặng nề những con số đếm “Một, hai, ba…” của những ngày nào nữa. Theo nhạc tôi đi, chân cứ bước, khi thoăn thoắt, lúc khoan thai; và hồn nhẹ lướt trên muôn trùng phím tơ phiêu lãng.

Nha Trang, mùa Thu 2012
PHONG NGUYÊN

Theo huấn luyện viên Anh Tú, Câu lạc bộ Sao Biển, hoạt động khiêu vũ ở Nha Trang hiện nay khá sôi nổi. Song, phong trào chỉ mới có bề rộng mà chưa có chiều sâu. Nhiều học viên học cốt để có bài đem đi giao lưu nên không chuyên tâm rèn luyện dáng dấp, kỹ thuật. Cho nên, đi tìm một vài đôi nhảy đẹp là rất khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, trong các chương trình Festival biển của tỉnh, hai năm một lần, đều có nội dung thi những đôi nhảy đẹp. Cuộc thi đã thu hút nhiều đôi nhảy đến từ các tỉnh, thành trong khu vực. Các đôi nhảy từ các tỉnh bạn về dự thi với những bài nhảy có chat lượng chuyên môn rất cao. Trong khi đó, các đôi nhảy của Khánh Hòa do chưa được đầu tư đúng mức nên kết quả chưa được như mong muốn.