“Chỉ vài chục trang đầu, cuốn sách đã dần cuối hút tôi. Biển về chiều nhưng không hề lặng sóng…”, đó là cảm nhận của nhà văn Nguyễn Gia Nùng về tập truyện ký “Biển về chiều” của tác giả Nguyễn Văn Chấp vừa được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản quý III/2012.
Tác giả Nguyễn Văn Chấp |
“Chỉ vài chục trang đầu, cuốn sách đã dần cuối hút tôi. Biển về chiều nhưng không hề lặng sóng…”, đó là cảm nhận của nhà văn Nguyễn Gia Nùng về tập truyện ký “Biển về chiều” của tác giả Nguyễn Văn Chấp vừa được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản quý III/2012.
Đây là tác phẩm đầu tay của tác giả, nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), hiện sống ở Nha Trang. Được xuất bản lần đầu năm 2011 với số lượng hạn chế, tác phẩm lần này được tái bản (có bổ sung) sau khi có phản hồi tốt từ độc giả.
Ký ức hôm qua
Tuy tuổi đã cao và lần đầu tiên viết truyện, nhưng bằng trí nhớ minh mẫn, tác giả Nguyễn Văn Chấp đã tái hiện khá sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng và trưởng thành trong kháng chiến của bản thân qua từng trang viết. 3 chương của tác phẩm là những ký ức về vùng quê Ninh Hòa yên bình bên dòng sông Dinh, vùng căn cứ Hòn Hèo từng ghi bao chiến tích hào hùng. Tác phẩm cũng là sự tri ân của tác giả đối với những người dân đã không ngại gian khó, hy sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng.
Truyện ký gồm 284 trang, được viết dưới hình thức một cuộc trả lời phỏng vấn của nhân vật Quang với nữ nhà báo Hạnh - người cùng quê. 25 câu chuyện tái hiện từng sự kiện trong cuộc đời nhân vật chính. Vốn là thầy giáo dạy tiểu học, Quang sớm giác ngộ cách mạng, rời làng quê lên cứ, rồi rèn luyện, trưởng thành và lãnh đạo Đội Vũ trang công tác. Anh cùng đồng đội trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, ăn hầm, ở bụi để làm cách mạng trong lòng địch. Trong những năm tháng ấy, thầy giáo Quang được người dân trong vùng như: bà Nhâm, bác Hai, bác Mười... hết lòng nuôi dưỡng, bảo vệ.
Tuy là tập ký nhưng “Biển về chiều” vẫn giàu chất truyện. Những hoạt động của nhân vật chính có sự gắn bó, liên hệ với sự kiện lịch sử của những vùng đất cách mạng như: Ninh Hà, Ninh Diêm, Đá Bàn, Hòn Hèo... Đó là những sự kiện có thực, không hư cấu, diễn ra trong cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Chấp. Nhà văn, nhà báo Xuân Tuynh chia sẻ: “Tập sách được viết rất chân thực. “Biển về chiều” cuốn hút người đọc ở lối viết giản dị, thấm đẫm tình người và giàu trách nhiệm của tác giả”.
Vẫn cồn cào sóng
Gần cuối tập sách là những câu chuyện đời thường, những trăn trở của tác giả. Câu chuyện “Hai lá cờ” kể về sự kiện 2 lá cờ giải phóng được người dân may tặng cho lực lượng cách mạng treo lên quận lỵ Ninh Hòa và xã Ninh Hiệp, đánh dấu thời khắc giải phóng Ninh Hòa ngày 2-4-1975. Đến nay, người may cờ tặng cách mạng và người treo cờ lên quận đường Ninh Hòa vẫn chưa được ghi nhận. Hay như thổ lộ của tác giả về nỗi canh cánh trong lòng về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với những người dân ở cơ sở cách mạng đã dìu dắt, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ trong thời gian chiến tranh. Tác giả tâm sự: “Người dân đã một lòng một dạ đi theo cách mạng, hy sinh tất cả để bảo vệ cán bộ. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, những cán bộ đã từng sống, chiến đấu và cả lớp trẻ sau này biết ơn về những đóng góp lớn lao đó”...
“Biển về chiều” được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản quý III/2012. |
Gấp sách lại, người đọc như cảm nhận được tiếng thở dài của thầy giáo Quang trong những buổi chiều ngồi trước biển. Đúng như nhà văn Nguyễn Gia Nùng nhận xét: “Biển về chiều nhưng không hề lặng sóng, kể cả sóng trên mặt biển và lớp lớp sóng ngầm dưới lòng sâu”.
MAI HOÀNG