Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi có dịp đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), trò chuyện với những người đang ngày đêm tận tụy với công việc canh đèn biển giữa muôn trùng sóng gió…
Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi có dịp đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), trò chuyện với những người đang ngày đêm tận tụy với công việc canh đèn biển giữa muôn trùng sóng gió…
Đêm khuya tĩnh mịch, chỉ có tiếng sóng và gió, nhưng những người canh đèn biển vẫn tận tụy với công việc của mình. Dẫn chúng tôi lên tham quan đèn biển, ông Vũ Quang Cách (50 tuổi, quê Hải Phòng) chia sẻ: “Thời tiết ở đảo mùa này khắc nghiệt lắm. Không chỉ có sóng, gió mà còn có cả sương muối”.
Dừng chân trước một cầu thang bằng thép dựng thẳng đứng, ông Cách chỉ lên phía trên, nói: “Trèo hết thang bộ này còn phải leo thêm một thang bộ khác mới lên được đỉnh đèn biển. Việc trèo qua 2 thang bộ này là nguy hiểm nhất, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể xảy ra tai nạn”. Dứt lời, ông Cách bám tay vào thang thép, cẩn thận leo lên phía trên. Lúc này, đèn biển liên tục phát sáng rọi về xung quanh. Ông Cách cho biết, ban đêm, các tàu thuyền có thể quan sát thấy ánh đèn từ khoảng cách lên đến 18 hải lý. Nhiều năm qua, chưa một lần đèn biển ở đây ngưng sáng. Điều này đã giúp cho các tàu thuyền trong và ngoài nước đi qua vùng biển được an toàn. Không những thế, đèn biển còn là cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Được biết, mỗi ngày khi vào ca, ông Cách đều kiểm tra hiệu lực ánh sáng của đèn biển, kế đến là quan sát khu vực hàng hải, ghi nhật ký, theo dõi hoạt động của các thiết bị điện. Đó là chưa kể việc vệ sinh đèn phải thực hiện thường xuyên. Chỉ tay về một cây đèn biển bên cạnh chưa được kích hoạt, ông cho biết, đây là đèn phụ tại ngọn hải đăng. Chỉ khi nào đèn chính bị trục trặc kỹ thuật, không thể phát sáng thì đèn phụ mới được kích hoạt.
Ông Cách đã làm việc tại nhiều đèn biển ở quần đảo này. Các đèn biển ở Song Tử Tây, Nam Yết hay An Bang ông đã từng đến và cùng đồng nghiệp canh giữ, đảm bảo cho đèn biển luôn chiếu sáng. Ông chia sẻ, công việc của người nhân viên gác đèn tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tụy với nghề. Với thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề, dù sống xa nhà, điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng ông chưa một lần than vãn hay nghĩ đến chuyện vào bờ.
Ông Vũ Duy Minh - Trạm trưởng Hải đăng Trường Sa, cùng quê với ông Cách, đồng thời là người lớn tuổi nhất (54 tuổi) làm việc tại đèn biển này. Theo ông Minh, hàng ngày sẽ có 4 ca trực đèn biển, mỗi ca có từ 1 - 2 người. Chỉ riêng Hải đăng Trường Sa Lớn, ông đã có 7 năm gắn bó. Đây là đèn biển thứ 8 ở huyện đảo mà ông đặt chân đến. Khi được hỏi tại sao lại chọn nghề canh đèn biển, người trạm trưởng chia sẻ: “Thời trẻ, tôi có nhiều hoài bão, không nghĩ sẽ gắn bó với nghề này nhưng rồi nghề đến với mình. Gắn bó với nghề một thời gian, tôi yêu nghề luôn”.
Xa nhà, xa đất liền, những người canh giữ đèn biển không chỉ đối mặt với những khó khăn, thử thách về vật chất, điều kiện sống mà còn chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, nhất là khi người thân ở đất liền ốm đau, bệnh tật. “Khi đó ai cũng muốn được về với gia đình, vợ con, nhưng được sự động viên của người thân, bạn bè và đồng nghiệp, chúng tôi đã luôn vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với chúng tôi, được góp phần vào sự an toàn cho những chuyến tàu vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã là niềm vui”, ông Minh bày tỏ.
THÀNH LONG