Chuyến hải trình mang Tết ra Trường Sa của Quân chủng Hải quân mới đây thêm thắm đượm tâm tư, tình cảm giữa đất liền với hải đảo, biên cương của Tổ quốc. Trong những món quà Tết từ đất liền, điều mà các chiến sĩ, nhất là các anh lính trẻ háo hức nhất là những cánh thư của học sinh gửi người lính đảo.
Chuyến hải trình mang Tết ra Trường Sa của Quân chủng Hải quân mới đây thêm thắm đượm tâm tư, tình cảm giữa đất liền với hải đảo, biên cương của Tổ quốc. Trong những món quà Tết từ đất liền, điều mà các chiến sĩ, nhất là các anh lính trẻ háo hức nhất là những cánh thư của học sinh gửi người lính đảo.
Tại đảo Nam Yết, chúng tôi ghi nhận những tình cảm yêu mến, cảm phục và tin tưởng của các nữ sinh Trường THPT Ngô Quyền, TP. Thái Nguyên gửi các chú bộ đội.
Đêm Nam Yết những ngày đầu xuân như lắng đọng hơn khi các chiến sĩ chuyền tay nhau những cánh thư từ đất liền. Các bạn nữ sinh trung học ở vùng đất thép Thái Nguyên đã thắp lên tình cảm nồng ấm, chân tình, trong trẻo của lứa tuổi đôi tám đầy mộng mơ. Một bạn tên là Vân Anh đã chia sẻ: “Các chú ạ, dù còn rất nhỏ, nhưng những gì đang diễn ra nơi biển khơi của Tổ quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tình cảm của cháu và các bạn cùng trang lứa. Bởi lẽ, chúng cháu đã mang trong mình dòng máu Việt Nam, tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc. Giữa chốn ngàn khơi, chúng cháu biết các chú phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn, sự khắc nghiệt của khí hậu, sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần, sự cô đơn giữa đêm khuya vắng lặng… Nhưng các chú cũng đừng buồn nhé! Vì chính lẽ đó chúng cháu rất cảm phục và ngưỡng mộ sự hy sinh thầm lặng của các chú bộ đội - những người con dũng cảm của Tổ quốc”.
Nhiều bạn trẻ không chỉ ngưỡng mộ, sẻ chia, mà còn bày tỏ ước mơ được một lần đến với Trường Sa, được ngắm nhìn, tìm hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn về mảnh đất xa xôi của đất nước cũng như hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của các chú bộ đội. Trong thư, cô nữ sinh Phương Thảo viết: “Các chú hải quân yêu quý, qua các bài giảng của thầy cô cũng như qua sách báo, ti vi, cháu đã hiểu rất nhiều về nhiệm vụ cao cả và sự hy sinh thầm lặng của các chú cho Tổ quốc. Sinh sống ở đất liền, nỗi băn khoăn của cháu là nơi xa ấy, cuộc sống của các chú như thế nào? Điều kiện sinh sống trên đảo ra sao? Ước mong một ngày được đặt chân ra đảo dường như thường trực trong mỗi chúng cháu. Ngày nay được sống trong hòa bình, hơn ai hết cháu hiểu rằng “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên” cả, vì vậy các chú vẫn phải ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Cháu tự hào, khâm phục và kính mến các chú…”.
Trong khi đó, bạn Phương Anh không quên cảm ơn các chiến sĩ đã bảo vệ cuộc sống yên bình của Tổ quốc: “Chúng cháu luôn tin vào chiến thắng của lẽ phải, vào tinh thần yêu nước của dân tộc ta, nhất là tin tưởng vào lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu đến cùng của các chú để bảo vệ chủ quyền của đất nước”…
Không chỉ gửi những tâm tình nơi đất liền, các em học sinh còn sẵn sàng chia sẻ số điện thoại để “nếu các chú buồn thì gọi điện thoại cho các cháu”. Chiến sĩ Bùi Thành Công ở đảo Nam Yết sau khi đọc thư đã chia sẻ: “Những bức thư mang theo tình cảm của đất liền giúp chúng tôi có thêm động lực chắc tay súng bảo vệ nơi đảo xa. Đồng thời, những lá thư còn là một trong những hình thức khẳng định sự quan tâm, trái tim của đất liền luôn hướng về đảo xa”. Chiến sĩ Phạm Văn Thương trải lòng: “Thỉnh thoảng, những chuyến tàu ra thăm đảo đều có thư gửi từ đất liền. Anh em chiến sĩ trên đảo đều rất vui và hạnh phúc khi nhận thư. Tuy hiện nay đã có điện thoại, có thể gọi điện về đất liền, nhưng những dòng chữ nghiêng nghiêng nét viết học trò và lời chia sẻ, động viên trong sáng của các em đã tạo nên cảm xúc đặc biệt, giúp chúng tôi có thêm động lực phấn đấu, quên đi những gian khó, vất vả để chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước”.
Hồng Đăng