11:02, 10/02/2017

Hướng về biển đảo quê hương

Trường Sa, hai tiếng gọi thân thương của hàng triệu trái tim người con đất Việt; nơi in đậm dấu chân, sự hy sinh, mất mát của biết bao thế hệ cha ông. Giờ đây, những thế hệ trẻ với sự nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc tiếp bước cha anh ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. 

Trường Sa, hai tiếng gọi thân thương của hàng triệu trái tim người con đất Việt; nơi in đậm dấu chân, sự hy sinh, mất mát của biết bao thế hệ cha ông. Giờ đây, những thế hệ trẻ với sự nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc tiếp bước cha anh ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.  


Lính trẻ tình nguyện


Trên chuyến tàu 571 khởi hành từ Quân cảng Cam Ranh ra Trường Sa dịp Tết Đinh Dậu 2017, cùng đi với đoàn chúng tôi có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ra đảo nhận nhiệm vụ. Đa số các anh tuổi đời còn trẻ, khoảng mười tám, đôi mươi và họ đều là những chiến sĩ tình nguyện.

 

Người lính trẻ háo hức lên đường nhận nhiệm vụ  tại Quân cảng Cam Ranh
Người lính trẻ háo hức lên đường nhận nhiệm vụ tại Quân cảng Cam Ranh

 
Là con trai út trong gia đình làm nghề nông, cha mẹ già yếu, gia cảnh lại khó khăn, đông anh chị em nên chàng trai Phan Thành Nhựt (23 tuổi, quê xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) học đến hết lớp 12 đã phải tự kiếm sống. Khi địa phương vận động thanh niên đủ tuổi đi nghĩa vụ quân sự, Nhựt không ngần ngại khoác ba lô lên đường và được giao nhiệm vụ hậu cần ở một đơn vị quân đội trong tỉnh. Sau hơn 5 tháng công tác tại đơn vị, Nhựt tình nguyện viết đơn đi đảo. “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Mình còn trẻ, đi để học hỏi, rèn luyện và trải nghiệm”, Nhựt chia sẻ.


Cũng là một trong những chiến sĩ trẻ tình nguyện công tác ở Trường Sa, Trung sĩ Vũ Văn Nghĩa (19 tuổi, quê Nam Định) đã không giấu được cảm xúc khi lần đầu tiên được đặt chân lên đảo chìm Đá Nam. Anh bày tỏ: “Trước đây, khi còn ở nhà, tôi chỉ được thấy những vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống cũng như nghị lực vượt khó của các chiến sĩ đảo chìm ở Trường Sa qua màn ảnh ti vi và mong muốn có một ngày mình sẽ được ra đảo. Gờ đây, khi ước mơ ấy trở thành sự thật, được khoác trên mình bộ quân phục lính Trường Sa, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào và sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao”.


Có thể nói, qua các cuộc tiếp xúc với những người lính trẻ ấy, chúng tôi cảm nhận được hành trang các anh mang theo đến Trường Sa không có gì ngoài sức trẻ, sự nhiệt huyết, mong muốn đi để trải nghiệm cùng với quyết tâm sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Những thế hệ cùng giữ đảo


Đã là lính đảo Trường Sa, các anh luôn ở trong tâm thế bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đời lính đảo chịu nhiều khó khăn, vất vả, nhưng dường như những điều đó chẳng làm các anh dao động mà trái lại còn hun đúc thêm niềm tự hào, ý chí sắt đá, sự kiên định giúp các anh hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Trong số các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo, chúng tôi biết có không ít người đã trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo. Và trong chuyến công tác Trường Sa lần này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với 2 cặp cha - con cùng công tác trên các đảo tại Trường Sa.


Đó là trường hợp Thượng tá Vũ Duy Khánh - Chính trị viên đảo Sơn Ca cùng con trai của ông là chiến sĩ Vũ Duy Anh. Theo Thượng tá Khánh, ông đã có hơn 30 năm gắn bó trong quân ngũ. Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 1994, ông được điều về công tác tại Trung đoàn (nay là Lữ đoàn) 83 Công binh, Bộ Tư lệnh Hải quân, cũng từ đó cuộc đời ông gắn liền với các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Nói về con trai, đồng thời cũng là đồng chí, đồng đội của mình trên đảo Sơn Ca, Thượng tá Khánh tâm sự: “Năm 1997, lúc Duy Anh chào đời, tôi đang công tác trên đảo Đá Tây. Ngày ấy, phương tiện liên lạc từ Trường Sa về đất liền không thuận lợi như bây giờ, nên nhận được tin vui, phải khó khăn lắm tôi mới mượn được điện thoại của trạm ra-đa đảo gọi về chia sẻ, động viên mẹ con cháu”. Ra công tác tại đảo Sơn Ca từ tháng 1-2016, cuối năm 2016, binh nhất Vũ Duy Anh đã hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự trở về đất liền. Tâm sự với chúng tôi về hành trình trở thành lính đảo Trường Sa, Duy Anh nói: “Hồi nhỏ, mỗi khi cha đi công tác về, tôi cùng em gái luôn quấn quýt bên ông để được nghe kể những câu chuyện trên đảo. Từ đó, tôi luôn mong muốn trở thành lính đảo. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi tình nguyện nhập ngũ và được bố mẹ chấp thuận”. Sau 1 năm công tác ở đảo Sơn Ca, Vũ Duy Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. “Tôi rất tự hào về cháu. Duy Anh giờ đã chững chạc và trưởng thành rất nhiều”, Thượng tá Khánh nói.


Cùng là lính đảo Trường Sa nhưng lại công tác ở 2 điểm đảo khác nhau là trường hợp của cha con Trung tá Nguyễn Trọng Đương, trợ lý xe tăng đảo Sơn Ca và binh nhất Nguyễn Thành Công, công tác tại đảo Nam Yết. Theo Trung tá Đương, đời cha ông và ông đều theo nghiệp nhà binh, có lẽ vì gia đình có truyền thống đó nên khi vừa tốt nghiệp THPT, con trai ông là Nguyễn Thành Công cũng nộp đơn tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính đảo. Lúc chúng tôi gặp Công trên đảo Nam Yết, chàng lính trẻ vừa “chân ướt chân ráo” ra đảo vẫn còn bỡ ngỡ. Song, được ra đảo và trở thành lính hải quân như bố là một niềm tự hào nên Công đã nhanh chóng hòa nhập với đồng chí, đồng đội. “Tuy cuộc sống lính đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song tôi rất tự hào và vinh dự khi được góp một phần nhỏ sức mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, anh chia sẻ.


Đến Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn thiếu thốn, nghe những lời chia sẻ, tâm sự, ước mơ, hoài bão của những người lính đảo, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được một cách đầy đủ tình yêu quê hương biển đảo của những người lính hải quân nhân dân Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió.


AN NHIÊN