07:06, 19/06/2015

Mang hơi ấm đến Trường Sa

Những ngày tháng 6 này, gần 300 thân nhân các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa đã có dịp đến với vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày tháng 6 này, gần 300 thân nhân các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa đã có dịp đến với vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Giấc mơ có thật


Sau ba hồi còi giục giã, hai con tàu mang số hiệu 996 và 571 của Hải đội 411 Vùng 4 Hải quân lần lượt nhổ neo rời cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, hướng về quần đảo Trường Sa.

 

1
Chị Đinh Thị Diên xúc động gặp con trai trên cầu cảng


Giữa bốn bề sóng vỗ, trong căn phòng nhỏ trên tàu 996, chị Thân Thị Khánh Vân (quê Lạng Giang, Bắc Giang) xem đi xem lại đoạn video clip dài 6 phút mà chị đã quay bằng điện thoại di động khi còn ở nhà. “Trước ngày lên đường, hai cô công chúa nhà tôi đã hát tặng bố một số bài hát. Tôi vừa đàn, vừa dùng điện thoại ghi lại để làm quà cho bố cháu”, chị Vân khoe.


Là trạm trưởng trạm ra đa trên xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, đã hơn một năm nay Thiếu tá Đỗ Huy Mười - chồng chị Vân chưa về thăm nhà. chị Vân thay chồng cáng đáng việc nhà. tuy vất vả nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua tất cả để chồng yên tâm công tác. Đầu tháng 6 vừa qua, khi nhận được quyết định ra Trường Sa thăm chồng, chị Vân nhiều đêm không ngủ. “Tôi chưa từng nghĩ sẽ được đến với Trường Sa. Tất cả cứ như một giấc mơ, nhưng thật tuyệt vời khi đó là sự thật”, chị Vân bày tỏ.

 

Thiếu tá Đỗ Huy Mười vui mừng gặp lại vợ.
Thiếu tá Đỗ Huy Mười vui mừng gặp lại vợ


Ở phòng bên, chị Dương Thị Hạnh (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) cũng đang nhanh tay hoàn thiện bức tranh thêu “tình nghĩa vợ chồng” để tặng ông xã là Trung tá Vũ Đình Hà - Cụm trưởng Cụm 2, xã đảo Song Tử Tây. Chị Hạnh cho biết, đây là bức tranh thêu chữ thập đầu tiên của chị.


Là một trong số gần 150 thân nhân đi trên tàu 996 ra đảo lần này, ông Trần Văn Ngọ (61 tuổi, quê huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) rưng rưng: “Vậy là mơ ước một lần đến Trường Sa của tôi đã thành hiện thực. Cảm giác lâng lâng thật khó tả”.


Giọt nước mắt hạnh phúc


Sau gần 60 giờ đồng hồ vượt sóng, tàu 996 đã đến gần đảo Song Tử Tây. Từ khoảng cách gần 4 hải lý, có thể nhận ra vị trí cao nhất của đảo là ngọn hải đăng. Tàu càng đến gần, những công trình trên đảo như âu tàu, chùa, trường học và những ngôi nhà ngói đỏ dần dần hiện ra rõ hơn. Không ai bảo ai, tất cả đều rời khỏi phòng chạy ùa lên boong tàu dùng điện thoại, máy ảnh tranh thủ chụp những khoảnh khắc khi lần đầu tiên được nhìn thấy mảnh đất thiêng của Tổ quốc giữa bốn bề sóng nước. Không khí lúc này chẳng khác nào ngày hội.


Không thể tiến vào âu tàu vì thủy triều xuống, ít phút sau, tàu 996 phải thả neo cách đảo khoảng gần 1km. Phải mất thêm gần 30 phút trung chuyển bằng ca nô cao tốc, những thân nhân của các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo mới có thể đặt chân lên cầu cảng. Tại đây, những cái ôm siết chặt của những người lính xa nhà với người cha, người mẹ, người vợ dường như không muốn dứt. Nhiều giọt nước mắt đã rơi vì hạnh phúc.


Vừa đặt chân lên cầu cảng, chị Đinh Thị Diên (quê Thái Bình) đã lao đến ôm chầm cậu con trai là anh lính trẻ Nguyễn Thanh Lợi ra đảo làm nhiệm vụ hơn 1 năm qua. Đưa tay quệt những giọt nước mắt lăn dài trên má, vừa chỉnh lại chiếc mũ hải quân cho con, chị Diên xúc động: “Con của mẹ nay đã lớn thật rồi. Con chững chạc ra nhiều đấy”. Dứt lời, chị Diên lại ôm con vào lòng, nước mắt lăn dài bên khóe mắt. Cạnh đó, Thiếu tá Đỗ Huy Mười cũng ghì chặt người vợ khiến chị Vân ngượng ngùng, e thẹn.


Chỉ đến khi mặt trời dần lặn xuống biển họ mới rời cầu cảng tiến về trung tâm đảo trong tiếng nói cười không dứt...


Thành Long