12:04, 29/04/2015

Những hồi ức về ngày giải phóng Trường Sa

40 năm, ngày Giải phóng Trường Sa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính từng vào sinh ra tử khi giải phóng, tiếp quản Trường Sa năm xưa.

40 năm, ngày Giải phóng Trường Sa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính từng vào sinh ra tử khi giải phóng, tiếp quản Trường Sa năm xưa.


Bí mật, chớp nhoáng giải phóng đảo


Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Trường Sa (29-4), những người lính từng một thời ra giải phóng, tiếp quản đảo lại hội ngộ với nhau. Năm nay, tròn 40 năm ngày Giải phóng Trường Sa, các cựu chiến binh (CCB) có dịp trùng phùng ở phố biển Nha Trang, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa.

 

1
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn Phú Khánh tại đảo Thuyền Chài năm 1988


CCB Trần Đăng Ninh (hiện sống ở TP. Nam Định, nguyên lính đặc công Đội 1, Đoàn 126) - người trực tiếp tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây kể: “Đầu tháng 4-1975, đơn vị nhận nhiệm vụ tham gia giải phóng Trường Sa. Đêm 11-4, từ bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), chúng tôi được lệnh xuất phát đến Trường Sa. Để giữ bí mật, biên đội tàu cải trang thành tàu đánh cá nước ngoài, giấu quân trong các khoang tàu, bên trên là ngư lưới cụ dùng để ngụy trang”. Đến chiều 13-4, các tàu của ta đến được đảo Song Tử Tây. Cách đảo hơn 10 hải lý, đơn vị ông được chia làm 3 mũi để bí mật tấn công đảo. “Mũi tiến công của tôi gồm 18 đồng chí, do anh Đào Mạnh Hồng chỉ huy. Theo kế hoạch đã định, khi 3 mũi lên tới đảo thì hỏa lực cối 82, B40, B41 và súng pháo ĐKZ bắn trước. Tuy nhiên, đến rạng sáng vẫn chưa thấy tín hiệu bắn; nếu đợi trời sáng thì địch sẽ phát hiện, vậy nên chúng tôi quyết định tấn công. Chỉ sau khoảng 30 phút tấn công, địch kháng cự yếu ớt. Vì thế, ta sớm giành được đảo” - ông Ninh hồi tưởng. Cuộc chiến đấu chớp nhoáng, bí mật đã giúp phía ta giành thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt 6 tên địch và bắt sống 33 tên; 2 chiến sĩ của ta hy sinh.

 

Ông Trần Đăng Ninh - nguyên lính đặc công Đội 1, Đoàn 126 cho biết: Khi đánh chiếm đảo Song Tử Tây, lính đặc công chúng tôi chỉ mang theo lựu đạn, súng AK và dao ba tiện ích. Vậy nên khi giải phóng xong phải chờ thêm mấy giờ sau mới có cờ Tổ quốc mượn từ tàu chở quân ra Trường Sa để treo trên đảo. Tuy nhiên, 1 ngày sau, tàu về đất liền nên lấy lại cờ, anh em trên đảo phải gò tấm tôn thành hình cờ Tổ quốc và sơn màu lên. Gần 10 ngày sau, khi tàu tiếp tế trở lại đảo, chúng tôi mới có cờ bằng vải để treo.

CCB Trần Văn Bông - nguyên chiến sĩ thuộc đơn vị hỏa lực Quân khu V cho biết, không lâu sau ngày giải phóng Song Tử Tây, trên chiến trường miền Nam, quân ta liên tục thắng trận khiến cho quân địch hoang mang. Đây là thời cơ để giải phóng các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa. “Ngày 21-4, một biên đội tàu được cử đưa lực lượng của ta ra giải phóng Trường Sa. Các tàu tiếp tục giả dạng tàu đánh cá nước ngoài. Rạng sáng 25-4, quân ta nổ súng giải phóng đảo Sơn Ca. Được đà chiến thắng, từ ngày 27 đến 29-4, bộ đội ta giải phóng các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa”, ông Bông nhớ lại.


Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã được giải phóng, trong đó có đảo giải phóng nhanh và không tốn một viên đạn. Đại tá Phan Thanh Hương - nguyên cán bộ Phòng Quân báo Quân chủng Hải quân nhớ khá tường tận sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với việc giải phóng Trường Sa. Ông Hương kể: Thời điểm đó, nhận định tầm quan trọng cũng như thời cơ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân bằng mọi giá phải đánh nhanh thắng nhanh, sớm giải phóng các đảo đang bị địch chiếm đóng. “Bộ Tư lệnh Hải quân bằng mọi giá phải giải phóng Trường Sa. Nếu Trường Sa không sớm được giải phóng nhanh, chắc sớm muộn cũng bị nước khác chiếm; như thế, đến đời con cháu sẽ rất khó đòi”, ông nhớ lại mật lệnh của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Mãi giữ tình đồng đội


CCB Nguyễn Xuân Thùy - Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa phía Nam cho biết, sau khi giải phóng, tuy điều kiện ngoài đảo vô cùng khó khăn, nhưng nhiều anh em vẫn tình nguyện ở lại chốt giữ để bảo vệ đảo. Nhiều người xuất ngũ về lại địa phương đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau. Khi về hưu, nhiều người cũng tích cực tham gia cấp ủy ở địa phương nơi cư trú. “Anh em mỗi người một nơi, tuy nhiên tất cả đều có chung nguyện vọng tập hợp lại thành một hội. Năm 1990, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa ra đời với niềm vui, phấn khởi của các thành viên. Ban liên lạc lấy ngày 29-3 làm ngày truyền thống. Ngày mới thành lập, Ban liên lạc chỉ có khoảng 10 người; đến nay đã tập hợp được gần 100 CCB”.

 

Cựu chiến binh giải phóng Trường Sa bên tấm ảnh đảo Sinh Tồn.
Cựu chiến binh giải phóng Trường Sa bên tấm ảnh đảo Sinh Tồn


Hàng năm, Ban liên lạc đều tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến; nhắc nhở nhau giáo dục thế hệ con cháu về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng của dân tộc. Đồng thời, thường xuyên thông báo tình hình cho nhau, qua đó kịp thời giúp đỡ, sẻ chia, động viên những thành viên gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống. CCB Nguyễn Xuân Điệm (quê Hà Nam) - tham gia giải phóng đảo Sơn Ca chia sẻ: “Trong hội, nhiều anh em còn gặp khó khăn. Vậy nên, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nghĩa, giúp nhau vươn lên. Nổi bật nhất là con em trong Ban liên lạc được tạo việc làm ở doanh nghiệp của các CCB…”.


Trong niềm vui, xúc động ngày trùng phùng, những CCB lại thêm phấn khởi bởi biết rằng, Trường Sa hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt; cuộc sống của quân và dân nơi đảo xa ngày một cải thiện, nâng cao. Các CCB càng vui hơn khi những người lính trẻ nơi đầu sóng ngọn gió đã phát huy truyền thống, ngày đêm canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Mạnh Hùng