06:04, 24/04/2015

Đưa vịt biển ra đảo

Đầu tháng 3, đàn vịt biển đầu tiên đã được đưa ra Trường Sa. Câu chuyện đưa vịt biển ra các đảo cũng không đơn giản. Hơn một năm trời, công việc này đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và những tấm lòng thầm lặng hướng về biển, đảo quê hương.

Đầu tháng 3, đàn vịt biển đầu tiên đã được đưa ra Trường Sa. Câu chuyện đưa vịt biển ra các đảo cũng không đơn giản. Hơn một năm trời, công việc này đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và những tấm lòng thầm lặng hướng về biển, đảo quê hương. Chị Nguyễn Thị Thúy Nghĩa - khi ấy là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Biết được thông tin về giống vịt biển, chị Hoàng Lệ Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Khánh Hòa đã liên hệ và đặt đưa giống vịt biển ra Trường Sa”.  

 

Bà Hoàng Lệ Hà và 3 chiến sĩ của Trạm chế biến chăn nuôi.
Bà Hoàng Lệ Hà và 3 chiến sĩ của Trạm chế biến chăn nuôi


Giống vịt biển của Trung tâm Đại Xuyên có khả năng thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường nước mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều kỳ diệu là chúng uống được nước biển, chỉ cần nuôi 8 tuần tuổi đạt cân nặng 2kg; đủ 21 tuần bắt đầu đẻ trứng và đẻ rất nhiều. Các bãi cạn ở các đảo là môi trường sống và kiếm ăn rất tốt cho vịt biển. Lần thứ nhất Trung tâm Đại Xuyên gửi 100 trứng vịt biển, đưa ra đảo Trường Sa Đông, ấp chỉ nở được một vài quả. Lần thứ hai đưa trứng ra Trường Sa Lớn, cho ấp nở, kết quả cũng không hơn lần trước. Không nản lòng, mọi người tìm hiểu kinh nghiệm nuôi vịt biển thành công ở Quảng Ninh, Phú Quốc. Ngày 19-12-2014, 600 con vịt biển 1 ngày tuổi được chuyển bằng đường hàng không về Cam Ranh, sau đó được đưa về Trạm chế biến chăn nuôi tập trung. Tại đây, vịt biển được nuôi trong một thời gian ngắn cho quen với điều kiện khí hậu, sau đó chuyển cho các đảo.


Anh Ngô Duy Đỗ - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Trường Sa cho biết, việc nuôi và nhân giống thành công đàn vịt biển lần này góp phần cải thiện bữa ăn của quân và dân các đảo, đặc biệt đối với các đảo chìm, đảm bảo hậu cần tại chỗ.

 

Vịt biển trước ngày ra Trường Sa
Vịt biển trước ngày ra Trường Sa


Những ngày đầu vịt mới được đưa về, Phân viện Thú y Miền Trung cử người vào tiêm phòng và hướng dẫn cách chăm sóc. Anh Trương Công Thôi - cán bộ kỹ thuật thú y cho biết: Nhân viên phân viện thường xuyên vào kiểm tra, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vịt, đồng thời gửi tặng thuốc và 1 tấn thức ăn tổng hợp. Thời tiết khi đó lạnh và mưa. Để phòng bệnh và cho vịt dần thích nghi với môi trường khắc nghiệt vùng bán đảo, các anh đã che chắn chuồng trại, rải trấu, mùn cưa xuống nền đất, thắp đèn ban đêm và thay nhau thức canh chuột. Hàng ngày, các anh nấu cơm trộn với cám cho vịt ăn. Vịt biển ăn khỏe, sau vài tuần, đàn vịt đã thích nghi được với môi trường bán đảo và lớn nhanh…


Những ngày tháng 4, chúng tôi lại có dịp ra Trường Sa. Đàn vịt biển cũng theo tàu có mặt ở hầu hết các đảo chìm, đảo nổi. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của những người góp phần làm nên sức sống Trường Sa…


Nguyễn Xuân Tình