Ai đã từng một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa sẽ khó quên được những hàng cây xanh trên đảo. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, cây phong ba, bão táp, bàng vuông, cây tra… vẫn xanh ngắt một màu, sừng sững vươn lên như khí phách của người lính Trường Sa.
Ai đã từng một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa sẽ khó quên được những hàng cây xanh trên đảo. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, cây phong ba, bão táp, bàng vuông, cây tra… vẫn xanh ngắt một màu, sừng sững vươn lên như khí phách của người lính Trường Sa.
Loài cây được nhắc và nhớ đến nhiều nhất khi nói tới Trường Sa đó là bàng vuông. Đến Trường Sa, tận mắt thấy các chiến sĩ chăm sóc từng bông hoa, tán lá, hay mải mê kể những câu chuyện về loài hoa đặc biệt chỉ nở vào ban đêm, tôi mới cảm nhận được tình yêu của những người lính đảo dành cho cây bàng vuông. Chiến sĩ trẻ Lê Khả Hùng (Phân đội 3, Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Lớn) cho biết, ngoại trừ các đảo chìm, tất cả các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa đều có loài cây này. Ở đảo quanh năm nắng gió, mưa bão, chỉ có một số loài cây chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết như: phong ba, bão táp, tra, bàng vuông… Trong đó, bàng vuông làm nên “thương hiệu” Trường Sa, trở thành người bạn của lính đảo.
Thượng úy Hoàng Đức Thắng chăm sóc cây bàng vuông con |
Dẫn chúng tôi đến chỗ có nhiều chậu cây bàng vuông con đang được trồng, anh Hùng hóm hỉnh nói đảo Trường Sa Lớn có hẳn một “chuyên gia” chiết bàng vuông. Hỏi chuyện, Thượng úy Hoàng Đức Thắng - Trạm trưởng Trạm định vị vệ tinh Trường Sa Lớn cho biết: “Anh em thấy tôi thích trồng bàng vuông, thường chiết cây, nhân giống nên đặt biệt danh ấy”. Anh Thắng chia sẻ, công tác ở đảo Trường Sa từ năm 2011, nhưng trước đó, anh đã mê mẩn sự độc đáo của hoa và trái bàng vuông. Với kinh nghiệm chiết, ghép các loại cây cùng với việc học hỏi từ những anh em đi trước trên đảo, vừa nhận nhiệm vụ, anh đã bắt tay vào việc chiết, nhân giống bàng vuông để trồng trên toàn đảo. Chỉ 3 tháng sau, anh đã trồng thành công cây bàng vuông đầu tay của mình. Theo kinh nghiệm của anh, trồng bàng vuông không khó, chỉ sợ thời tiết không thuận lợi, nước tưới không đủ. Mỗi lần có tàu ra đảo, anh đều nhờ gửi đất ra để trồng cây con, giúp cây sinh trưởng tốt. 4 năm công tác ở Trường Sa, tâm huyết với loài cây đặc biệt này, anh Thắng cùng đồng đội đã góp phần tô đậm thêm màu xanh cho đảo. “Bàng vuông là đam mê, vừa là đứa con tinh thần của mỗi người lính chúng tôi, góp phần phủ xanh cho đảo. Tôi tự hào được góp phần công sức nhỏ xây dựng đảo Trường Sa ngày càng xanh, ngập tràn sức sống hơn” - Thượng úy Thắng tâm sự.
Năm 2014, quân và dân đảo Trường Sa Lớn trồng được gần 600 cây xanh, nhiều nhất là cây tra và bàng vuông. Với mục tiêu mỗi người lính trước khi rời đảo đều phải trồng được 2 - 3 cây sống, qua bao thế hệ, những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi đã được phủ một màu xanh của sức sống. Nhìn từ trên cao, xung quanh những mái nhà là sắc xanh của cây tra, phong ba, bàng vuông…
Từ Trường Sa trở về, món quà đặc biệt không thể thiếu là những trái bàng vuông khô và cây bàng vuông con được ươm tươi tốt. Theo chân các đoàn công tác về đất liền, hiện nay, cây bàng vuông đã được nhân lên và trồng rất nhiều ở Khánh Hòa cũng như các tỉnh, thành. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú (TP. Nha Trang) đã có hẳn vườn ươm và chăm sóc, nhân giống các loại cây mang từ Trường Sa về với ý tưởng sẽ có một quần đảo Trường Sa thu nhỏ tại nơi đây.
Thượng tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: “Ở đây không có quà lưu niệm, chỉ có bàng vuông là đặc sản, nên khách tới đây, chúng tôi đều tặng bàng vuông, để mỗi khi nhìn thấy món quà, mọi người lại nhớ đến Trường Sa”.
VĨNH THÀNH