Chuyến tàu hỏa tốc hành SE7 chạy chậm dần rồi dừng lại tại ga Nha Trang. Hòa lẫn trong dòng người, cựu binh - nhân chứng sự kiện 14-3-1988 Lê Hữu Thảo với nước da ngăm đen đậm chất lính, bước xuống sân ga…
Chuyến tàu hỏa tốc hành SE7 chạy chậm dần rồi dừng lại tại ga Nha Trang. Hòa lẫn trong dòng người, cựu binh - nhân chứng sự kiện 14-3-1988 Lê Hữu Thảo với nước da ngăm đen đậm chất lính, bước xuống sân ga…
Cựu binh Lê Hữu Thảo (bên phải) thuật lại trận bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 |
Gặp ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì người cựu binh ăn vận quá giản dị. Tóc đã lấm tấm sợi bạc nhưng bước chân của ông vẫn rắn rỏi và nhanh nhẹn chẳng kém tuổi đôi mươi ngày nào. Ông quê ở phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau 27 năm, ông mới có dịp trở lại đơn vị cũ. Những ký ức dội về như chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Từ trận “đấu loa”…
Nhớ về những ngày tháng bi hùng, ông chậm rãi kể: Đầu năm 1988, tôi và đồng đội gia nhập Lữ đoàn 146 Hải quân ở căn cứ Cam Ranh. Sau ít ngày ở đơn vị mới, chiều 10-3-1988, chúng tôi nhận lệnh lên tàu HQ 604 để ra Trường Sa. Khi chạy ra đến phao số 0 thì gặp bão lớn nên tàu phải xin lệnh quay lại. Khoảng 16 giờ ngày hôm sau, khi cơn bão đã giảm, tàu tiếp tục nhổ neo tiến ra vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau hai ngày vận lộn với sóng to, gió lớn, sẩm tối 13-3-1988, tàu HQ 604 đến vùng biển đảo chìm Gạc Ma và thả neo. Lúc này trời đã trong xanh, biển lặng, sóng lăn tăn như mặt hồ. Những người lính trẻ có thể nhìn thấy rõ những đàn cá đang bơi lượn tung tăng ở độ sâu hàng chục mét…
Khoảng 30 phút sau, một tàu khu trục lớn của hải quân Trung Quốc đột nhiên xuất hiện. Tàu này chỉ cách tàu HQ 604 gần 100m, tàu Trung Quốc dùng loa phóng thanh tuyên bố đây là vùng lãnh thổ của Trung Quốc và yêu cầu tàu HQ 604 phải rời đi. Ngay lập tức, tàu HQ 604 cũng dùng loa phóng thanh đáp trả: “Đây là vùng biển, đảo của Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu tàu hải quân Trung Quốc rời khỏi khu vực”… Cứ thế, sau khoảng gần 30 phút “đấu loa”, cuối cùng tàu khu trục của hải quân Trung Quốc cũng phải rời đi.
… cuộc chiến không cân sức
Sau bữa ăn tối nhanh với khẩu phần gồm cơm, rau cải khô xào thịt hộp, một số lính trẻ leo lên boong tàu thả câu, số còn lại quây quần trong phòng để trò truyện và tìm hiểu về nhau. Mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau nhưng ai nấy đều tràn đầy nhuệ khí.
Cảnh trời đêm Gạc Ma yên tĩnh, tiếng nói cười của những người lính vang xa, ấm cúng như một gia đình. Họ mong muốn sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ đi học, người thì mơ ước sẽ đi làm công trình ở miền Nam… Câu chuyện của những người lính chưa dứt thì đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng. Khoảng 5 giờ sáng 14-3-1988, bộ phận công binh dùng xuồng chở nguyên vật liệu lên đảo Gạc Ma để xây dựng công trình. Anh Thảo nhận lệnh cùng tổ chiến đấu gồm 5 người, trong đó có Trung úy Nguyễn Mậu Phong - Trung đội trưởng, Thiếu úy Trần Văn Phương - Trung đội phó, chiến sĩ Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc, nhanh chóng rời tàu lên đảo chìm Gạc Ma làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ lực lượng công binh trên chiếc xuồng nhỏ.
Đến 7 giờ cùng ngày, trong khi lực lượng công binh của ta đang xây dựng cột cờ ở giữa đảo thì đột nhiên xuất hiện một tốp tàu chiến gồm 4 chiếc của Hải quân Trung Quốc, dàn trận theo đội hình chiến đấu. Và sự kiện bi tráng đã được ghi lại trong sử sách. Riêng tổ công tác của anh gồm 5 người đã có 3 người anh dũng hy sinh.
Trở lại Nha Trang lần này, cựu binh Lê Hữu Thảo vinh dự được tham gia đặt những viên đá đầu tiên xây dựng tượng đài Gạc Ma, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến năm xưa. Người cựu binh ở tuổi ngũ tuần, rưng rưng nước mắt: “Đã 27 năm qua, tôi mới có dịp trở lại Cam Ranh. Trên đường đi, tôi không thể ngủ được vì nhớ đồng đội. Nhớ từng ánh mắt nụ cười của các anh. Tôi mong một ngày không xa sẽ được trở lại vùng biển, đảo Gạc Ma thả một vòng hoa, thắp nén nhang tâm sự với đồng đội của mình”.
Thành Long