Mưa gió ở đất liền đã mạnh, ở đảo xa còn dữ dội hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, những người làm công tác khí tượng - hải văn ở Trường Sa vẫn không ngại gian khó để chuyển về đất liền những thông tin dự báo thời tiết chính xác nhất.
Mưa gió ở đất liền đã mạnh, ở đảo xa còn dữ dội hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, những người làm công tác khí tượng - hải văn ở Trường Sa vẫn không ngại gian khó để chuyển về đất liền những thông tin dự báo thời tiết chính xác nhất.
Anh Phước bắt đầu công việc của mình lúc 1 giờ sáng |
Công việc thầm lặng
Những ngày cuối năm, tôi may mắn được đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa) trong chuyến công tác mang quà Tết ra đảo.
Mùa này biển động. Những con sóng cấp 6, cấp 7 gầm réo suốt đêm ngày. Ấy vậy mà mới 1 giờ sáng, anh Đoàn Tấn Phước, Trạm trưởng Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa đã lặng lẽ thức giấc, bước ra vườn khí tượng để bắt đầu công việc đo gió, đo độ ẩm, lượng mưa... Nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng tìm hiểu mới thấy công việc này đòi hỏi sự chính xác và tỉ mẩn, tinh nhạy rất cao. Những thông tin thu thập được cực kỳ quý giá, bởi nó ảnh hưởng đến sinh mạng của rất nhiều người, nhất là hàng vạn ngư dân đang đánh bắt trên biển. Anh Phước chia sẻ: “Là trạm khí tượng tiền tiêu của đất nước, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của thông tin về thời tiết mà mình cung cấp, nên mỗi anh em trong trạm đều tự nhủ phải cẩn thận, chính xác tuyệt đối mỗi khi làm việc để kịp thời chuyển về Đài Khí tượng, thủy văn khu vực Nam Trung bộ trong đất liền”.
Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa hiện có 7 cán bộ, nhân viên đang công tác. Người nhỏ tuổi nhất mới 21, lớn tuổi nhất cũng chỉ 30, phần lớn đều chưa có gia đình. Trạm có nhiệm vụ quan trắc, thu thập các số liệu thời tiết để thông báo về đất liền 4 lần/ngày vào các khung giờ khác nhau. Từ tháng 6 cho tới đầu năm sau là thời điểm trên Biển Đông thường xuyên có bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết bất thường khác. Vì vậy, mỗi khi có thông tin bão trên Biển Đông anh em phải trực chiến 24/24 giờ canh bão, quan trắc và thu thập số liệu. Sau đó, cứ 30 đến 40 phút/lần thông báo về đất liền; báo cáo chỉ huy đảo để sử dụng hệ thống Icom thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết trước diễn biến của thiên tai.
Là người có thâm niên nhất trong trạm với 6 năm công tác, trong đó hơn 1 năm ở Trường Sa, anh Phước cho biết khí hậu ở Trường Sa không giống như ở đất liền, thời tiết diễn biến rất phức tạp, nhất là thời điểm cuối năm và gần Tết. Anh từng chứng kiến những cơn gió giật với tốc độ hơn 20m/s như muốn thổi bay người xuống biển. Quần đảo Trường Sa mỗi năm đón từ 12 đến 13 cơn bão. Riêng năm 2014, hơn chục cơn bão và áp thấp ảnh hưởng đến khu vực này. Những lúc như thế, mỗi cán bộ thủy văn ở đây phải đối mặt với hiểm nguy, lặng lẽ “bắt mạch ông trời”. Những ngày mưa to, gió lớn ập vào đảo, trong khi mọi người tìm nơi tránh trú an toàn thì các anh phải đội mưa, hứng gió để thu thập số liệu, kịp thời cảnh báo sớm.
Vững tin, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ
Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa được xây dựng từ năm 1977, hiện là một trong 26 trạm phát bão quốc tế, cách đất liền xa nhất và được xem là “con mắt báo bão” sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn của nước ta. Hệ thống số liệu ở đây cùng với số liệu từ các trạm Song Tử Tây, DK1 trên biển sẽ cung cấp số liệu để dự báo sớm nhất các cơn bão trên Biển Đông hàng năm. |
Là trạm trưởng, gần như đảm nhận chức vụ anh cả, anh Phước bộc bạch, ở đảo, anh không chỉ lo về chuyên môn mà còn phải bảo đảm cả đời sống, bữa ăn cho anh em. Thực phẩm thường phải gửi mua từ đất liền mang ra rồi trữ trong tủ đông để dùng. Nếu tàu không ra được anh em sẽ rất khó khăn, lúc đó chỉ có lương khô, mì gói làm bạn. Anh Trương Thanh Tịnh (quê Phú Yên) tâm sự, mỗi khi có khách ra thăm chiến sĩ và các anh em ở Trường Sa, mọi người ở trạm rất vui, háo hức, nhất là lúc đón đoàn ở cầu cảng. “Đây là năm thứ hai tôi đón Tết ở đảo xa, nhớ Tết ở đất liền lắm, thèm nhất là bữa cơm tất niên cùng gia đình, nhưng có đoàn công tác vất vả mang quà ra đảo, tôi lại cảm thấy ấm lòng hơn rồi” - anh Tịnh phấn khởi nói.
Điều kiện khắc nghiệt nên cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ai cũng vững tin và quyết tâm vượt qua gian khó, hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ thầm lặng của mình. Đó là trường hợp của quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa (sinh năm 1986, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ ở khu cầu cảng Trường Sa Lớn. Đêm 21-3-2010, biển động dữ dội, sóng dập trắng xóa cầu cảng, anh Nghĩa ra khu vực này thu thập số liệu mực nước và cấp sóng. Không thấy Nghĩa trở về, anh em ở trạm hốt hoảng đi tìm, sau đó mới tìm thấy thi thể đồng đội mắc kẹt dưới lớp san hô. Ngày hy sinh, anh Nghĩa vừa tròn 24 tuổi. Anh được an táng ở Nghĩa trang đảo Trường Sa Lớn. “Tấm gương hy sinh của anh Nghĩa đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho chúng tôi, nhắc nhở mọi người bằng mọi giá phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - anh Phước nói bằng giọng chắc nịch khi nhắc về đồng nghiệp mẫn cán của mình đã mãi mãi nằm lại trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
VĨNH THÀNH