Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm 5 chư tăng ra làm phật sự ở Trường Sa.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm 5 chư tăng ra làm phật sự ở Trường Sa.
Cầm trên tay quyết định bổ nhiệm làm Trụ trì tại chùa trên đảo Phan Vinh (thị trấn Trường Sa), Đại đức Thích Tâm Tánh cảm thấy rất vui vì được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tín nhiệm. Đây là lần đầu tiên Đại đức được ra nơi đầu sóng ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. “Tôi cho rằng, đạo phải được gắn với đất nước, dân tộc thì việc hành đạo mới bền chặt. Được ra Trường Sa làm phật sự là mong ước bấy lâu của tôi. Tôi nguyện sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để cho tiếng chuông chùa mãi ngân vang trên các đảo ở Trường Sa, đem lại sự an lành cho quân, dân nơi đây” - Đại đức Thích Tâm Tánh chia sẻ.
Đại đức Thích Nhuận Huyền (được bổ nhiệm làm Phó Trụ trì tại chùa trên đảo Phan Vinh) nói: “Chúng tôi ra Trường Sa hành đạo là để chia sẻ với phật tử, với nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió”. Đó cũng là suy nghĩ của các chư tăng ra Trường Sa lần này.
Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trao quyết định bổ nhiệm các chư tăng ra làm phật sự tại Trường Sa. |
Hiện nay, huyện đảo Trường Sa có 6 ngôi chùa, tọa lạc trên các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh. Tất cả các chùa đều có trụ trì. Ngày ngày, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo đều lui tới thắp hương cầu nguyện cuộc sống an lành, hạnh phúc. |
Đại đức Thích Tâm Thành (được bổ nhiệm làm Trụ trì chùa trên đảo Nam Yết) cho biết: “Tôi xuất gia tu tập từ lúc 6 tuổi, nhà có 6 anh chị em thì có đến 3 người xuất gia tu tập. Tôi đang mường tượng ra những tiếng chuông chùa ngân vang nơi đảo xa, chắc chắn sẽ có cảm xúc thật đặc biệt, thấy Tổ quốc mình thật bao la, rộng lớn. Hơn nữa, từ chùa Sinh Tồn, Đại đức Thích Minh Huy (người ra Trường Sa và xin ở lại 3 nhiệm kỳ liên tục) đã chia sẻ qua điện thoại với tôi rằng, cuộc sống của quân và dân trên đảo rất thanh bình, ra đảo càng thấy yêu đất nước hơn. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị chu đáo và hoan hỷ lên đường”.
Hòa thượng Thích Nguyên Quang - Phó Trưởng ban, kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, người Việt dù sống ở nơi đâu cũng có nhu cầu tâm linh, đặc biệt là nhu cầu về Phật giáo của nhân dân đang sinh sống tại các đảo ở Trường Sa. Xuất phát từ truyền thống của Phật giáo Việt Nam là đạo pháp - dân tộc nên ở đâu có phật tử, ở đó có nhu cầu phật pháp. Giáo hội sẽ đáp ứng. Nếu chùa có sư thì sớm tối sẽ có tiếng chuông, tiếng mõ niệm Phật cầu cho quốc thái dân an và hướng dẫn cho phật tử ở đó để họ có cuộc sống tốt hơn. Trường Sa đã có chùa khang trang, nay lại có thêm sư trụ trì. Đó không chỉ là ước nguyện của quân và dân trên đảo, mà còn là mong muốn của nhân dân nơi đất liền. Các vị sư ra đảo lần này đều có chung suy nghĩ: Ra Trường Sa hành đạo là để chia sẻ với phật tử, với đồng bào nơi đầu sóng ngọn gió.
VĂN GIANG