Trường Tiểu học Sinh Tồn được đưa vào sử dụng cách đây không lâu từ Quỹ học bổng Vừ A Dính. Có trường mới, thầy và trò như được tiếp thêm sức mạnh, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp trồng người nơi đảo xa.
Trường Tiểu học Sinh Tồn được đưa vào sử dụng cách đây không lâu từ Quỹ học bổng Vừ A Dính. Có trường mới, thầy và trò như được tiếp thêm sức mạnh, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp trồng người nơi đảo xa.
Trường có diện tích gần 400m2, 2 tầng, rộng rãi, thoáng mát gồm: 6 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng giáo vụ. Ngoài ra còn có thư viện, sân chơi, bể nước, nhà vệ sinh và các thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Chị Đỗ Thị Tuyết Lan, phụ huynh em Võ Thanh Thạch bày tỏ: “Trước đây, khi chưa có trường, các cháu phải học tạm tại trụ sở xã, rất bất tiện. Từ khi có trường mới, chúng tôi an tâm hơn khi cho các cháu đến lớp. Đây là món quà ý nghĩa của đồng bào cả nước chung tay xây dựng biển, đảo quê hương”.
Dự một tiết dạy ở đây mới hiểu được sự tận tình của các thầy cô giáo nơi đảo xa. Thầy giáo “đa năng” cùng lúc đảm đương dạy cả 3 lớp, theo 3 chương trình khác nhau. Hướng dẫn cho em Nguyễn Trần Anh Luân (9 tuổi) các bài học lớp 3 xong, thầy Nguyễn Ngọc Hạ, 24 tuổi (quê Đại Lãnh, Vạn Ninh) lại quay sang kiểm tra bài lớp 1 cho em Võ Trung Tín (7 tuổi) và không quên nhắc nhở 2 em Võ Thanh Thạch và Nguyễn Công Minh, đều 5 tuổi, học mẫu giáo tô màu vào vở tập.
Thầy giáo Lê Anh Đức vui đùa cùng các em trong giờ ra chơi. |
Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo trẻ Lê Anh Đức (25 tuổi, quê Cam Hòa, Cam Lâm) cho biết: Trường tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày, thực hiện đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy xa đất liền nhưng trường không bao giờ sao nhãng việc dạy và học, hàng tháng đều báo cáo công tác dạy và học về đất liền. Các em học sinh ở đây học rất ngoan, vâng lời các thầy, dù trời mưa hay nắng đều đến lớp chuyên cần.
Trường Tiểu học Sinh Tồn là ngôi trường thứ 2 tại quần đảo Trường Sa được Quỹ học bổng Vừ A Dính tài trợ. Quỹ được hơn 300 cá nhân, tổ chức quyên góp, ủng hộ, tổng số tiền Quỹ hiện có hơn 23 tỷ đồng. |
Tham gia công tác thanh niên tình nguyện tại Tỉnh đoàn Khánh Hòa từ năm 2010, theo tiếng gọi của ngành Giáo dục vận động giáo viên ra Trường Sa dạy học, thầy giáo Lê Anh Đức xung phong ra đảo từ năm 2013. Thầy Đức chia sẻ: “Tuy có ngôi trường mới nhưng thầy và trò ở đây vẫn chưa hết trăn trở. Bởi ở ngoài này, việc trao đổi chuyên môn rất hạn chế, nhiều khi chúng tôi phải gọi điện về đất liền để tham khảo ý kiến đồng nghiệp. Thầy giáo phải đảm đương 3 chương trình cùng lúc nên việc truyền đạt phải chậm, từng bước để các em hiểu, nhất là các em nhỏ, mới chập chững làm quen với bảng chữ cái, con số...”.
Để đáp ứng công tác dạy và học, các thầy thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trao đổi chuyên môn với nhau và với đồng nghiệp ở đất liền, vào mạng Internet... Công tác ở đảo xa có nhiều nét đặc biệt, ngoài giờ dạy, các thầy còn tranh thủ tham gia đánh bắt cá, trồng rau xanh để cải thiện đời sống. “Ngày tôi đăng ký ra Trường Sa, cả nhà đều động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ra đây, thấy các em nhỏ rất ngoan, chăm học, gia đình các em lại quý mến và gần gũi với thầy giáo nên tôi càng có thêm động lực để gắn bó lâu dài với đảo...”, thầy Đức tâm sự.
P.L