10:06, 30/06/2014

"Đếm nắng, đo mưa" ở Song Tử Tây

Trạm Khí tượng Song Tử Tây là nơi đầu tiên thu thập số liệu về bão trên Biển Đông. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những người thợ "đếm nắng, đo mưa" luôn hết mình vì công việc, hàng ngày cần mẫn thu thập số liệu để cho ra những bản tin thời tiết chính xác nhất.

Trạm Khí tượng Song Tử Tây là nơi đầu tiên thu thập số liệu về bão trên Biển Đông. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những người thợ “đếm nắng, đo mưa” luôn hết mình vì công việc, hàng ngày cần mẫn thu thập số liệu để cho ra những bản tin thời tiết chính xác nhất.


“5517,.. 5517, 06892, ..06892, 32998, ..32998, ..” - từng tiếng rõ ràng, rành mạch, dứt khoát mã hóa bằng những con số được nhân viên Trạm Khí tượng Song Tử Tây phát đều đặn qua máy bộ đàm gửi về Trung tâm (Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ). Mùa nắng 4 lần/ngày, mùa mưa bão (nếu có bão) 30 phút/lần, họ phải cập nhật và truyền số liệu về Trung tâm, thông báo các thông số cơ bản về sức gió, nắng, mưa, nhiệt độ, khí áp... trong khu vực để Trung tâm thực hiện các bản tin thời tiết hàng ngày. Anh Nguyễn Thành Duy, nhân viên Trạm cho biết, cuộc sống của những người “đếm nắng, đo mưa”, đặc biệt ở khu vực Trường Sa khó khăn gấp bội so với các đồng nghiệp ở đất liền. Hàng ngày, các anh phải thu thập số liệu cho các bản tin thời tiết, mùa mưa bão càng vất vả hơn bởi gió mạnh, mưa lớn, nếu thao tác chậm, thiếu chính xác có thể làm hỏng giản đồ nhiệt ghi biến trình thời tiết, coi như hỏng cả bản tin. Do vậy, yêu cầu đối với các anh là không ngừng nâng cao tay nghề, rèn luyện bản lĩnh để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

 Trạm Khí tượng Song Tử Tây.
Trạm Khí tượng Song Tử Tây.

 

Tại khu vực quần đảo Trường Sa có 2 Trạm Khí tượng gồm: Trạm Khí tượng hải văn đảo Trường Sa Lớn và Trạm Khí tượng đảo Song Tử Tây. Trạm Khí tượng Song Tử Tây sắp được nâng cấp thành Trạm Khí tượng hải văn. Hiện trên đảo Song Tử Tây còn lưu giữ bia ghi dấu sự hiện diện của Trạm Khí tượng thành lập từ ngày 22-8-1956 như cột mốc khẳng định chủ quyền trên đảo.

Thành lập năm 1988, đến nay, Trạm Khí tượng Song Tử Tây luôn duy trì biên chế 3 người (1 trạm trưởng, 2 nhân viên) và thực hiện chế độ luân phiên công tác (trưởng trạm 1 năm, nhân viên 3 năm). Trạm là nơi đầu tiên thu thập và truyền số liệu về đất liền về tình hình bão trên Biển Đông. Tùy theo mùa, hướng gió cũng thay đổi, vì thế, số liệu của Trạm phải đảm bảo tuyệt đối chính xác. Để làm được điều này, Trạm luôn có phương án và thiết bị đề phòng bất trắc. Tranh thủ giờ nghỉ, quản lý, nhân viên đều phải ôn tập quy trình, quy phạm của ngành, hàng tháng họp rút kinh nghiệm những vấn đề còn thiếu sót. Ông Võ Thanh Hải, Trưởng Trạm Khí tượng Song Tử Tây chia sẻ: “Mùa mưa bão, nhân viên của Trạm rất vất vả vì thời tiết khắc nghiệt. Chúng tôi phải thu thập số liệu trong điều kiện mưa to, gió bão, rất nguy hiểm. Đồng thời, môi trường nước biển, gió biển, các thiết bị, máy móc nhanh chóng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đo đếm nên nhiệm vụ vệ sinh, lau chùi được duy trì thường xuyên hàng tháng...”.


Mùa nắng, Trạm đối mặt với những khó khăn như thiếu nước ngọt, rau xanh... Để có nước phục vụ sinh hoạt, Trạm có 2 giếng nước lợ và 3 bể chứa nước mưa, mỗi bể dung tích 5m3, nhưng chừng ấy vẫn không đủ nước ngọt dùng quanh năm mà phải triệt để tiết kiệm, nhất là vào mùa khô. Việc tiết kiệm điện cũng được các anh đặt lên hàng đầu. Các thiết bị tích điện chủ yếu chạy bằng năng lượng mặt trời, công suất không phải lúc nào cũng đủ, vì vậy mùa nắng các anh chỉ sử dụng 2 giờ/ngày, ưu tiên 6-7 giờ tối, là giờ sinh hoạt cao điểm, phục vụ ăn uống, còn sau đó ngưng cấp điện. Tuy vậy, các anh luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, khắc phục gian nan, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Q.V