10:05, 18/05/2014

Bộ đội Trường Sa làm theo lời Bác

Sống, làm việc và chiến đấu nơi đảo xa, bộ đội Trường Sa luôn thuộc lòng những lời Bác dạy, khắc phục gian khổ, thiếu thốn, bám biển, bám đảo, không một phút lơ là, mất cảnh giác…

Sống, làm việc và chiến đấu nơi đảo xa, bộ đội Trường Sa luôn thuộc lòng những lời Bác dạy, khắc phục gian khổ, thiếu thốn, bám biển, bám đảo, không một phút lơ là, mất cảnh giác…


. Học Bác từ những việc làm nhỏ nhất


Những ngày ở Trường Sa, chúng tôi đã cảm nhận được một cách sâu sắc cuộc sống của bộ đội nơi đây. Có thể nói, mọi hoạt động của các anh, từ những sinh hoạt đời thường đến công tác sẵn sàng chiến đấu hay giúp đỡ người dân, khách đến thăm đều mang dấu ấn từ những bài học mà Bác Hồ kính yêu đã dạy.


Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đặt chân lên đảo Sơn Ca. Sau cái bắt tay thật chặt, Trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo Sơn Ca chia sẻ: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) trên đảo, thể hiện qua những việc làm cụ thể như: tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu; bảo quản máy móc, đạn dược; tăng gia sản xuất cải thiện đời sống; xây dựng cảnh quan môi trường, lối sống văn hóa, mẫu mực...


Hơn ai hết, mỗi CB-CS trên đảo luôn hiểu rõ vị trí, vai trò của mình, ý thức được trách nhiệm của người quân nhân, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi có lệnh của cấp trên. Trung úy Nguyễn Duy Huy, đảo Nam Yết cho biết: “Mỗi một cán bộ, đảng viên luôn mang theo bên mình cuốn sổ tay đảng viên, trong đó ghi rõ kế hoạch phấn đấu thực hiện 5 nội dung liên quan của người cán bộ, đảng viên (phẩm chất đạo đức; công tác sẵn sàng chiến đấu; tiết kiệm trong sinh hoạt; đoàn kết nội bộ; xây dựng tập thể, chi bộ vững mạnh) và hàng tuần, hàng tháng đều có nhận xét, đánh giá, sơ, tổng kết...”.

 

1
Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đọc sách, tra cứu tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Những ngày này, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu nước sinh hoạt trên đảo, các anh luôn tuân thủ việc tiết kiệm nước một cách triệt để, mỗi người chỉ sử dụng 4 - 5 lít nước mỗi ngày, nước sau khi sử dụng còn được dành để tưới rau xanh. Trung úy Đào Văn Thắng, Phân đội trưởng Phân đội 2, Cụm chiến đấu 2, đảo Sơn Ca bộc bạch: “Mùa khô kéo dài, nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng cấp bách nên mỗi CB-CS phải tuân thủ triệt để mệnh lệnh tiết kiệm. Tôi là người chỉ huy phân đội càng phải làm gương cho anh em noi theo, mỗi ngày chỉ sử dụng 2 lít nước”. Không chỉ đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm nước, anh Thắng còn là người gương mẫu trong mọi mặt công tác, bám thao trường, bám bộ đội, vận động, nhắc nhở, nêu gương thực hiện những lời dạy của Bác. Anh đã từng cứu sống một chiến sĩ khi người này sắp chết đuối trong một lần thực hiện bài tập bắn bia trên biển. Anh cũng là người có sáng kiến dùng can dầu ăn cũ chế tạo thành bẫy diệt ruồi, là mô hình nhân rộng ra toàn quân trên đảo...


Trung tá Nguyễn Tất Thu, Chính trị viên Cụm chiến đấu 1, đảo Sơn Ca tâm sự: “Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào đời sống, dễ vận dụng, Ban chỉ huy đảo quán triệt và xác định mỗi CB-CS vận dụng lời dạy của Bác vào những việc làm cụ thể như tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, xây dựng lối sống quân nhân mẫu mực, trên kính dưới nhường...”.


Tính tiên phong, gương mẫu của người chỉ huy cũng là phương pháp tốt để vận động CB-CS học tập và làm theo lời dạy của Bác. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy đảo Sơn Ca là một tấm gương như vậy. Ra đảo gần 1 năm, anh đã có nhiều sáng kiến, giải pháp tạo bộ mặt mới cho đảo. Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có trên đảo hay các cây gỗ trôi nổi trên biển, anh Tuyến đã tổ chức cho bộ đội tranh thủ ngày nghỉ đóng 1 bộ sạp gụ và 2 bộ tràng kỷ làm nơi tiếp tân, đón khách thăm đảo. Anh cùng anh em tận dụng gạch đá xây một vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộng 80m2, đồng thời sửa sang đóng mới toàn bộ giá treo giày, dép, móc áo cho doanh trại. Bên cạnh đó, anh còn làm gương cho CB-CS trong công tác huấn luyện, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu. Chính tình thương yêu đồng chí, đồng đội, gương mẫu trong việc làm, lời nói, khen thưởng, phê bình xác đáng, công minh của anh đã làm gương cho CB-CS noi theo. Rất nhiều CB-CS khi hết thời hạn công tác đã tình nguyện ở lại giữ đảo.


Những bài học của Bác đã in sâu vào nhận thức của mỗi CB-CS Trường Sa: Dù gian khổ vẫn không sờn lòng, dù khó khăn vẫn không nản chí, quyết tâm bám đảo, bám biển, hoàn thành nhiệm vụ của người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Trung úy Nguyễn Đình Thụy, Phân đội trưởng cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết chia sẻ: “Ra đảo hơn 5 tháng, vợ có con nhỏ nên tôi rất lo lắng. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm, nghĩa vụ người lính, tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, tạo niềm tin cho anh em trong đơn vị. Tôi thường xuyên động viên vợ an tâm...”. Có người đã biết kiềm nén giây phút bão lòng để bám đảo, bám biển hoàn thành nhiệm vụ. Chiến sĩ Trần Minh Tuấn, đảo Sơn Ca, ra đảo tháng 7-2013 thì tháng 11-2013 hay tin bố mất. “Bố em ra đi khi mới 56 tuổi. Tuy buồn và xót thương nhưng em phải cố nén lòng chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ...”, Tuấn nghẹn lời.


. Phát huy giá trị các công trình Hồ Chí Minh


Thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa Lớn hay các Phòng Hồ Chí Minh trên các đảo, chúng tôi càng thấy giá trị của những công trình văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giáo dục bộ đội. Ở những nơi này có nhiều tranh ảnh, tư liệu quý về Bác, về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Các phòng được Tổng cục Chính trị và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các địa phương, nhất là Thư viện tỉnh Khánh Hòa ủng hộ, đóng góp nên tư liệu ngày càng phong phú, từ sách báo về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế đến tư liệu về Bác Hồ. Các Phòng Hồ Chí Minh được CB-CS sử dụng hiệu quả, là nơi tra cứu tư liệu, học tập, nghiên cứu… Đồng thời lãnh đạo các đảo cũng tổ chức các tổ giảng viên chính trị, phân công giáo dục bộ đội trên các lĩnh vực, bằng nhiều hình thức như: xây dựng bản tin, nâng cao trình độ, kiến thức, kết hợp hoạt động của đoàn thanh niên với phương pháp cụ thể, dễ hiểu, đạt hiệu quả cao…


Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Nam Yết cho rằng, các công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa giáo dục rất lớn về phong cách, đạo đức của Bác đối với CB-CS thông qua việc trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật... Bộ Thông tin Truyền thông mới đây đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền của các triều đại trước về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thông qua đó, giáo dục CB-CS tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, xứng đáng với truyền thống dân tộc, quân đội, quân chủng...


Phú Lâm