10:08, 14/08/2020

Phương án tổ chức mùa giải 2020: Tùy thuộc vào thực tế

Vừa qua, VPF đã gửi công văn đến các đội V.League và hạng Nhất về hai phương án lựa chọn cho việc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Hầu hết những người trong cuộc đều tán đồng và mong muốn giải đấu trở lại sớm, kết thúc nhanh gọn, thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các phương án này đều chỉ là dự kiến.

Vừa qua, VPF đã gửi công văn đến các đội V.League và hạng Nhất về hai phương án lựa chọn cho việc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Hầu hết những người trong cuộc đều tán đồng và mong muốn giải đấu trở lại sớm, kết thúc nhanh gọn, thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các phương án này đều chỉ là dự kiến.


Phương án đầu tiên mà những nhà tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đưa là là mùa giải sẽ quay trở lại bằng các trận đấu vòng tứ kết Cúp quốc gia (các ngày 5, 6-9), bán kết (ngày 1-11) và chung kết vào ngày 13-12. V.League sẽ bắt đầu từ ngày 12-9 với lượt trận thứ 12 của giai đoạn 1, sau đó các đội sẽ thi đấu giai đoạn 2 (nhóm B, nhóm xuống hạng sẽ kết thúc vào ngày 31-10) và nhóm A (tranh vô địch kết thúc vào ngày 8-12). Giải hạng Nhất sẽ trở lại vào ngày 11-9, vòng 10 giai đoạn 1 và kết thúc vào ngày 31-10. Phương án hai là mùa giải sẽ trở lại vào ngày 12 và 13-9 với tứ kết Cúp quốc gia (tức lùi lại 1 tuần so với phương án 1), sau đó các đội tiếp tục đá bán kết (vào ngày 19-9) và chung kết diễn ra vào ngày 23-12. V.League trở lại vào ngày 18-10 với lượt trận 12 của giai đoạn 1, các đội sẽ tiếp tục đá giai đoạn 2 và kết thúc vào ngày 19-12. Giải hạng Nhất sẽ bắt đầu vào ngày 25-9 và kết thúc vào 29-11.

 

Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có trở lại theo dự kiến hay không còn phải chờ.

Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có trở lại theo dự kiến hay không còn phải chờ.


Theo ghi nhận, hầu hết các đội bóng V.League và hạng Nhất đều cơ bản tán thành với lịch trình mà VFP xây dựng trong điều kiện diễn biến phức tạp dịch bệnh như hiện nay và kế hoạch tập trung của đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sau thông báo của FIFA và AFC về việc hoãn tổ chức các trận đấu vòng loại World Cup 2022 và ASIAN Cup 2023 sang năm 2021 điều đó đồng nghĩa với việc các giải đấu bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể được đôn lên sớm hơn, kết thúc nhanh hơn mà không cần phải kéo dài thời gian để dành quỹ cho đội tuyển. Đó là trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được các cơ quan thẩm quyền cho phép.


Còn trong tình huống xấu nhất đến thời điểm đầu tháng 9, nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thì việc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam dừng là điều chẳng ai muốn nhưng khả năng này vẫn có thể xảy ra và là điều bắt buộc, cần thiết. Lúc này, hẳn các đội chẳng ai muốn mình bị thiệt thòi nếu như ban tổ chức giải tự định đoạt. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Đình Tân - Huấn luyên viên (HLV) Trưởng đội bóng hạng Nhất Sanna Khánh Hòa - Biển Việt Nam cho hay: “Tôi hoàn toàn tán đồng với hai phương án VPF đưa ra, tuy nhiên như chúng ta cũng biết cả hai phương án này đều xây dựng dựa trên tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Còn như giả sử, đến thời điểm dự kiến giải thi đấu trở lại, dịch bệnh vẫn phức tạp, các cấp chính quyền vẫn chưa cho phép tổ chức giải thì lúc đó buộc lòng các giải đấu phải dừng. Bởi nếu kéo dài nữa thì không còn thời gian, trong khi ai cũng biết theo dự kiến mùa giải 2021 sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm sau”.


Theo HLV Võ Đình Tân, nếu vậy lúc này VFF và VPF sẽ cần xây dựng phương án kết thúc giải sao cho các đội bóng cảm thấy hài lòng. Trước đây, một số đội bóng cũng đã có ý kiến nếu trường hợp giải kết thúc, ban tổ chức giải quyết định trao chức vô địch cho đội đứng đầu, không có đội xuống hạng và hai đội đang dẫn đầu hạng Nhất được thăng hạng (thành 16 đội vào mùa giải 2021) đúng như mục tiêu mà VFF đang hướng tới. Tuy nhiên, điều này chắc chắn là một số đội bóng không đồng tình, trong đó có Bình Định và Sanna Khánh Hòa - Biển Việt Nam. Bởi theo ông Tân, ở giải hạng Nhất mùa bóng năm nay không chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu và Phố Hiến mà cả Bình Định, Sanna Khánh Hòa - Biển Việt Nam đều có khát vọng trở lại giải ngoại hạng và nếu cứ đưa hai đội dẫn đầu hạng Nhất lên hạng thì không công bằng. Trong trường hợp xấu nhất giải đấu buộc dừng sớm, HLV Võ Đình Tân cho rằng, lúc này VFF và VPF sẽ cần tổ chức cuộc họp (có thể trực tuyến) với sự tham gia của tất cả 26 đội bóng (14 đội V.League và 12 đội hạng Nhất) cùng ngồi lại với nhau bàn bạc để đưa ra phương án tối ưu nhất mà các đội đều cảm thấy thỏa mãn.


Trường hợp 1, V.League dừng, ban tổ chức công nhận đội vô địch, sẽ có 1 đội xuống hạng, 1 đội lên hạng như kế hoạch được xây dựng từ đầu, và lúc này ban tổ chức đưa ra ý kiến biểu quyết nếu số đông đồng ý thì cứ thế tiến hành. Trường hợp 2, mùa giải kết thúc sớm, ban tổ chức công nhận đội vô địch V.League và không có đội rớt hạng, trong khi đó ở giải hạng Nhất, 4 đội bóng được đánh giá có khát vọng nhất thăng hạng mùa giải năm nay sẽ lên chơi giải ngoại hạng và như vậy V.League năm sau sẽ có 18 đội. Và nếu mùa giải 2021 tiếp tục thi đấu theo thể thức như năm nay (chia làm 2 giai đoạn) thì chuyện có 16 hay 18 đội, hay bao nhiêu suất rớt hạng hoàn toàn có thể thu xếp được.


Và như vậy, câu chuyện các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam liệu có được tổ chức theo lịch trình dự kiến đầu tháng 9 này hay không, hay phải dừng sớm còn phụ thuộc vào tình hình thực tế mà trong đó quan trọng nhất là dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến ở mức nào. Tất cả còn phải chờ…


An Nhiên