05:09, 13/09/2019

Báo động về văn hóa cổ vũ

Trận đấu giữa câu lạc bộ Hà Nội và câu lạc bộ Nam Định trong khuông khổ V-League 2018-2019 đã xảy ra sự cố đáng tiếc, đó là việc 1 cổ động viên (cđv) bị một quả pháo sáng bắn từ khán đài B (dành cho cđv câu lạc bộ Nam Định) sang khán đài A (dành cho cđv câu lạc bộ Hà Nội), khiến cho cđv này bị thương nặng ở chân...

Trận đấu giữa câu lạc bộ Hà Nội và câu lạc bộ Nam Định trong khuông khổ V-League 2018-2019 đã xảy ra sự cố đáng tiếc, đó là việc 1 cổ động viên (CĐV) bị một quả pháo sáng bắn từ khán đài B (dành cho CĐV câu lạc bộ Nam Định) sang khán đài A (dành cho CĐV câu lạc bộ Hà Nội), khiến cho CĐV này bị thương nặng ở chân. Đồng thời trận đấu phải dừng lại hơn 10 phút do những quả pháo sáng được CĐV Nam Định liên tục ném xuống sân, cũng như ẩu đả với lực lượng cơ động giữ trật tự trận đấu, khiến cho 1 chiến sĩ bị đánh trọng thương phải nhập viện. Có thể nói, sự cố này đã như một giọt nước tràn ly khiến cho người ta phải gióng lên một hồi chuông “báo động đỏ” về văn hóa cổ vũ của CĐV tại V-League.
 
 
Đốt pháo sáng là hình thức cổ vũ hết sức nguy hiểm.
Đốt pháo sáng là hình thức cổ vũ hết sức nguy hiểm.
 
Sự phát triển của bóng đá Việt Nam đi kèm với sự phát triển của V-League (giải bóng đá vô địch quốc gia), nó thể hiện rõ qua việc chất lượng trận đấu ngày càng cao hơn, hệ thống đào tạo ngày càng phát triển, thành tích ở cấp độ câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia ngày được nâng cao, và đi kèm đó chắc chắn sẽ không thiếu sự phát triển của đội ngũ CĐV, đặc biệt là đối với một quốc gia luôn có sự cuồng nhiệt đối với “môn thể thao vua” như Việt Nam. Các hội CĐV của các câu lạc bộ lần lượt ra đời, quy mô cũng không ngừng tăng nhanh và phương thức hoạt động cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn từ việc học tập các hội CĐV nước ngoài để. Bất quá, điều gì cũng có hai mặt của nó, ngoài việc học tập cái tốt ra, thì không ít cái xấu cũng được… du nhập về, hoặc cũng phát triển mạnh mẽ hơn.
 
Quả thật như thế, đi cùng với sự phát triển của V-League là rất nhiều hành vi quá khích của các CĐV cũng được “thăng cấp” theo mức độ tăng dần. Nó có thể là việc mắng chửi sỉ nhục cầu thủ hoặc CĐV của câu lạc bộ đối thủ, có thể là việc diễu hành bất hợp pháp gây ách tắc giao thông, có thể là khủng bố tinh thần cầu thủ đối phương… và gần đây nhất là hành vi đốt ném pháo sáng trên sân vận động. Việc đốt ném pháo sáng được “học tập” từ nước ngoài, được lý giải như là một hành động thể hiện nhiệt huyết của những CĐV, tạo nên không khí sôi động trên khán đài, kích thích tinh thần thi đấu cho cầu thủ thi đấu dưới sân… Bất quá, hành vi đốt ném pháo sáng là hành vi bị FIFA cấm bởi tính nguy hiểm của nó, những lại được thực hiện một cách bất chấp.
 
Pháo sáng khi cháy sẽ tạo nên nhiệt độ cao, lại có lưu huỳnh là một chất rất độc, khi dính vào người sẽ nhanh chóng tạo nên vết thương, thậm chí là có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Trên thế giới đã có trường hợp Vincenzo Paparelli, CĐV của câu lạc bộ Lazio thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Italia, đã thiệt mạng ngay tại sân vận động Olimpico sau khi bị pháo sáng bắn trúng mặt. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã không ít lần bị phạt do CĐV Việt Nam đốt pháo sáng, chẳng hạn như bị phạt 12.500 USD trong trận gặp Hàn Quốc tại Asiad 18, hoặc bị phạt 10.000 USD trong trận gặp Campuchia tại Asian Cup 2019… Nguy hiểm là thế, bị phạt là thế, nhưng có vẻ như hành động này vẫn không được coi trọng một cách thực sự nghiêm túc.
 
Việc không coi trọng ấy được thể hiện khá rõ từ cấp câu lạc bộ cho đến VFF. Các câu lạc bộ vẫn chỉ dừng ở việc tuyên truyền một cách khá hời hợt cho hội cđv của họ không sử dụng pháo sáng, chứ không có biện pháp chế tài cụ thể nào. VFF khi xử lý hành vi đốt pháo sáng trên sân của CĐV, cũng chỉ mới dừng lại ở mức phạt tiền câu lạc bộ chủ sân một cách… không đau không ngứa, chứ không hề có biện pháp trừng phạt nào có tính chất trừng phạt, ngăn ngừa thực sự hữu hiệu. Trên thế giới cũng đã có không ít hình thức trừng phạt đối với các hành vi có liên quan đến CĐV, mà nặng nhất có thể kể tới cấm sân và trừ điểm. Đây là những án phạt ảnh hưởng trực tiếp đến CĐV cũng như câu lạc bộ, khiến cho các câu lạc bộ phải quản lý chặt hơn cđv của họ. Vậy tại sao VFF lại không áp dụng?
 
Chính cách xử lý hời hợt nói trên đã tạo nên sự cố thương tích vì pháo sáng như hôm nay, và nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khiến VFF phải xử lý mạnh tay hơn, nếu như không muốn nhận lấy những án phạt nặng từ FIFA trong tương lai. Việc bắt các sân bóng phải tăng cường an ninh, cũng như tăng mức phạt, thậm chí có thể xử lý hình sự… của VFF có vẻ như mất bò mới lo làm chuồng, nhưng nó là thực sự cấp bách, bởi những hành động bạo lực ấy sẽ đẩy người hâm mộ bóng đá dần rời xa sân bóng.
 
Cao Duy