10:06, 14/06/2018

Đặt cược thể thao được Luật hóa

Chính phủ sẽ quyết định danh mục các hoạt động được phép kinh doanh đặt cược thể thao.
 

Chính phủ sẽ quyết định danh mục các hoạt động được phép kinh doanh đặt cược thể thao.
 
Sáng 14/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với gần 94% đại biểu nhất trí.
 
Luật này dành Điều 68a để quy định về đặt cược thể thao. Theo đó, đây là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.

 

Kết quả biểu quyết Luật Thể dục, Thể thao sáng nay.
Kết quả biểu quyết Luật Thể dục, Thể thao sáng nay.
 
Kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải đảm bảo các yếu tố minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.
 
Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
 
Hồi đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Như vậy, với quy định nêu trên, hành lang pháp lý cho đặt cược thể thao đã được nâng từ nghị định lên Luật.
 
Luật vừa được thông qua không quy định bắt buộc dạy bơi trong trường học, dù trước đó có nhiều ý kiến đề nghị đưa quy định này vào dự thảo. 
 
Tại phiên thảo luận ngày 31-5, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, với một quốc gia sông nước, lại đang ở thời kỳ phải ứng phó biến đổi khí hậu, kỹ năng bơi là hết sức cần thiết. Theo ông Quốc, việc "xóa mù" bơi không khó "dăm buổi tập là biết bơi, trở thành hứng thú, thói quen", do vậy nên đưa vào Luật như một tiêu chí: Học sinh là phải biết bơi.
 
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa ủng hộ phương án không quy định bơi là môn học bắt buộc trong nhà trường. Dẫn báo cáo của Bộ Giáo dục Đào tạo về việc chỉ có khoảng 0,4 đến 0,6% các trường phổ thông, khoảng 13% các trường đại học có bể bơi, đại biểu Hoa cho rằng việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa "khó khả thi".
 
Trong báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Phan Thanh Bình cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã quy định ưu tiên phát triển môn bơi, không quy định bơi là môn học bắt buộc.
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.
 
Theo thethaovietnam.vn